Chủ tịch Vietinbank nói gì về dự án trụ sở 10 nghìn tỷ bỏ hoang?

Tại ĐHCĐ sáng nay 23/4, hàng chục cổ đông đã chất vấn lãnh đạo Vietinbank về việc dự án trụ sở Vietinbank Tower xây dựng dở dang, gây lãng phí vốn rất lớn. Ngân hàng đã tính bán cả dự án song đến giờ vẫn chưa xử lý xong.
chu tich vietinbank noi gi ve du an tru so 10 nghin ty bo hoang

Sẽ thu hồi tối đa khoản đầu tư

Phiên thảo luận tại ĐHCĐ thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã CK:CTG) trở nên “nóng” hơn khi nhiều cổ đông quan tâm, chất vấn về dự án trụ sở 10 nghìn tỷ đồng của ngân hàng.

Cổ đông yêu cầu lãnh đạo ngân hàng cho biết cụ thể tiến độ tái cơ cấu dự án Vietinbank Tower tại khu đô thị Ciputra, Hà Nội? Ngân hàng đã đưa các các phương án xử lý khối tài sản này, vậy đã tìm được đối tác nào “giải cứu” dự án chưa?

Trả lời cổ đông, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, việc xây dựng và phát triển trụ sở là nhằm mục tiêu tương xứng với quy mô và tầm vóc của Vietinbank. Tuy nhiên, dự án này có quy mô rất lớn, nếu chỉ dùng làm trụ sở thì chưa phát huy hết được tiềm năng.

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường cuối năm 2018, ngân hàng cũng đã trình cổ đông 3 phương án tái cơ cấu lại dự án Ciputra. Theo đó, phương án 1 là ngân hàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ tài sản dự án tháp trụ sở, sau đó thuê lại để làm trụ sở văn phòng. Sau thời hạn thuê, Vietinbank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Phương án 2 là bán một phần tài sản của dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác. VietinBank sẽ sở hữu tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Đối với phương án này, ngân hàng sẽ xin chủ trương Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành Tòa nhà Trụ sở chính tháp 68 tầng.

Mới đây, Vietinabnk cho biết sẽ ưu tiên tái cơ cấu dự án tháp trụ sở theo phương án bán toàn bộ dự án và thuê lại để làm việc sau gần một thập kỷ theo đuổi dự án này.

“Sau khi ĐHCĐ bất thường 2018 thông qua phương án tái cơ cấu dự án đến nay, dự án tháp trụ sở này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Chúng tôi đã thành lập các ban, tổ giúp việc, hội đồng tái cơ cấu dự án và giao cho một Phó tổng giám đốc trực tiếp làm Chủ tịch hội đồng tái cơ cấu dự án, cùng nhiều chuyên gia và cán bộ các bộ phận khác nhau để thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu”, lãnh đạo Vietinbank cho biết.

Hiện, đã có khoảng 15-16 tập đoàn lớn quan tâm, 9 tập đoàn ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào dự án này của VietinBank. Ngân hàng đang lựa chọn các nhà tư vấn để triển khai công việc một cách khẩn trương, đảm bảo quy định pháp luật, thu hồi tối đa giá trị đầu tư.

Khởi công từ năm 2019, dự án tháp trụ sở chính Vietinbank Tower có quy mô diện tích 30.000m2, tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 10.267 tỷ đồng, gồm 2 tòa tháp 68 và 48 tầng làm văn phòng, kinh doanh.

Trong 9 năm qua, dự án này đổ rất nhiều tiền vào xây dựng song hiện trạng công trình vẫn còn dở dang, lãng phí tài sản. Nguyên nhân là do ngân hàng không bố trí được nguồn vốn để hoàn thiện dự án. Nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vietinbank nhiều năm qua sa sút, nợ xấu rất lớn và trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sụt giảm 27,2% chỉ đạt 5.427 tỷ đồng.

Sốt ruột tăng vốn điều lệ

Tại đại hội, HĐQT Vietinbank đã trình cổ đông thông qua 2 phương án phân phối lợi nhuận.

Cụ thể, phương án 1 là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,3% (tương đương 2.990 tỷ đồng). Vì lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức dự kiến năm 2018 là 6.643 tỷ đồng.

Phương án 2 là giữ lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để làm nguồn tăng vốn điều lệ.

Đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận để tăng vốn đã được VietinBank kiến nghị từ vài năm trước. Nhưng đến kỳ họp năm nay. nội dung này mới được chính thức trình tại ĐHCĐ thường niên.

Được biết, trong suốt 5 năm qua kể từ năm 2013, vốn điều lệ của VietinBank vẫn chỉ duy trì ở mức 37.234 tỷ đồng. Năm 2018, phương án tăng vốn điều lệ chưa được ĐHCĐ thông qua, ngân hàng buộc phải hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế bị sụt giảm 27%…

Theo Chủ tịch Lê Đức Thọ, các nguồn lực hỗ trợ hoạt động của Vietinbank đến nay đã tới hạn, việc tăng vốn là vấn đề “rất cấp bách” và “quan trọng nhất” để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 và giai đoạn 5 năm 2019-2024 được xây dựng trên kịch bản ngân hàng được tăng vốn thành công. Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ đạt tối thiểu 9.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng ở mức thấp 6-7%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Huy động vốn từ dân cư 10-12%…

chu tich vietinbank noi gi ve du an tru so 10 nghin ty bo hoang

Bên cạnh đó, Vietinbank bám sát lộ trình tăng vốn tự có trong 5 năm tới, đáp ứng chuẩn Basel II và hệ số CAR theo quy định.

Tuy vậy, cổ đông cũng bày tỏ lo lắng và yêu cầu phương án khách nếu Vietinbank không được tăng vốn? Cổ đông cũng nhắc ngân hàng còn nợ chưa chia cổ tức năm 2017 cho cổ đông?

Ông Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và mục tiêu phải tăng lên hơn 53 nghìn tỷ đồng vẫn chưa thực hiện được.

Về cổ tức, tỷ lệ cổ tức của năm 2017 đã trình cổ đông dự kiến là 7%, tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị mức 7% chia bằng cổ phiếu, hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

“Nhu cầu vốn của ngân hàng vẫn lớn. Những năm gần đây, VietinBank tìm nhiều cách để cải thiện vốn tự có, chẳng hạn như phát hành trái phiếu dài hạn, cơ cấu các khoản đầu tư, cơ cấu các khoản góp vốn vào các công ty con… Giai đoạn trước, VietinBank tăng trưởng rất nhanh từ 17-20% và trong 5 năm, quy mô ngân hàng tăng gấp 2 lần. Với quy mô hiện nay, tốc độ tăng trưởng của VietinBank phải được điều chỉnh lại, chỉ khoảng 6%, với điều kiện được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, hoặc được chia cổ tức bằng cổ phiếu”, Lãnh đạo ngân hàng phân trần.

Hơn nữa, nếu áp dụng Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể chỉ dưới 8%, do đó nhu cầu tăng vốn của VietinBank trở nên rất cấp bách.

Quy mô nợ xấu của Vietinbank đã tăng rất mạnh,lên tới 13.518 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Trong đó, nợ xấu nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm tới hơn 70%, tương đương gần 9.470 tỷ đồng và đã tăng thêm hơn 4.253 tỷ đồng nợ mất vốn trong năm vừa qua.

Do khối nợ xấu “phình” to quá nhanh đã khiến Vietinbank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đến cuối năm 2018 lên tới 7.747 tỷ đồng. Điều này đã làm ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, khi lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 chỉ đạt 6.742 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.427 tỷ đồng, giảm 27,2% so với năm trước.

Huyền Đoàn

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết