Năm 2019 Techcombank mục tiêu lợi nhuận 11.750 tỷ đồng, nói không cổ tức

Hội đồng quản trị Techcombank dự kiến trình cổ đông kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất 11.750 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 10% so với năm ngoái.
nam 2019 techcombank muc tieu loi nhuan 11750 ty dong noi khong co tuc

Dự kiến, ngày 13/4/2019, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2019 tại Hà Nội.

Techcombank vừa công bố tài liệu các tờ trình đại hội, về kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024.

Đáng chú ý, năm 2019 Techcombank sẽ không chia cổ tức cho cổ đông dù năm 2019 dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11.750 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2018, ngân hàng đã quyết định chia cổ tức hậu hĩnh tới 200% (tỷ lệ 1:2) bằng cổ phiếu cho cổ đông ngay sau khi lên sàn và suốt 8 năm liền nói không với cổ tức.

Nhờ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Techcombank đã tăng gấp 3 lần, đạt hơn 34.966 tỷ đồng và vươn lên nhóm nhà băng cổ phần có vốn lớn nhất.

Tuy nhiên, việc chia tách cổ phiếu số lượng lớn cùng với thị trường chứng khoán vào giai đoạn điều chỉnh giảm sâu … đã tác động tới giá cổ phiếu TCB trên sàn chứng khoán giảm mạnh. Chào sàn với giá hơn 102.000 đồng/CP, cổ phiếu TCB đã chạm đỉnh hơn 109.000 đồng/CP sau đó rơi vào chuỗi ngày giảm giá rất sâu. Tại thời điểm chia tách, giá cổ phiếu TCB chỉ còn 81.000 đồng/CP, tương đương sau chia tách là 27.000 đồng/CP. Trong vòng 10 tháng qua, TCB liên tục biến động trồi sụt với biên độ trên dưới 10% và lình xình đi ngang thời gian dài. Hiện, TCB đang giao dịch quanh mức 25.000/CP, tức giảm tới 30,5% so với mức đỉnh (sau chia tách cổ phiếu).

Vấn đề quan trọng thứ hai được trình ĐHCĐ thường niên 2019 là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo đó, Techcombank trình cổ đông phương án phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, công nhân với giá phát hành 10.000 đồng/CP. Thời gian phát hành dự kiến trong quý II hoặc quý III/2019. Số cổ phiếu ESOP này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về kế hoạch lợi nhuận, năm 2019 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 11.750 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và tăng 20% nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường từ việc bán TechcomFinance.

Năm 2019, mục tiêu tổng tài sản đạt 375.821 tỷ đồng, tăng 17%, huy động vốn kế hoạch đạt 274.156 tỷ đồng, tăng 32%; dư nợ tín dụng đạt 245.366 tỷ đồng, tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép; tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 2,5%.

Năm 2018 Techcombank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục đạt 10.661 tỉ đồng, tăng 31% so với năm trước, chỉ đứng sau Vietcombank trong hệ thống ngân hàng Việt.

Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 21,5% và lợi nhuận ròng trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 2,9%. Tăng trưởng tín dụng đạt 20%, tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.

Tại ĐHCĐ năm nay, ngân hàng sẽ bầu lại các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. Theo tờ trình, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ gồm 8 thành viên, được bầu từ các ứng viên gồm:

  1. Ông Hồ Hùng Anh
  2. Ông Nguyễn Đăng Quang
  3. Ông Nguyễn Thiều Quang
  4. Ông Nguyễn Cảnh Sơn
  5. Ông Đỗ Tuấn Anh
  6. Ông Lee Boon Huat
  7. Ông Saurabh Narayan Agarwal
  8. Ông Nguyễn Nhân Nghĩa (ứng cử Thành viên HĐQT độc lập)

Như vậy, danh sách ứng viên nhiệm kỳ mới không có tên ông Nguyễn Đoan Hùng (Thành viên HĐQT độc lập) và có thêm hai ông Saurabh Narayan Agarwal và Nguyễn Nhân Nghĩa.

Trong đó, ông Saurabh Narayan Agarwal là lãnh đạo của quỹ đầu tư Warburg Pincus giữ chức Giám đốc Warburg Pincus NewYork, Hoa Kỳ và Singapore. Được biết, quỹ ngoại này đã rót vốn đầu tư hơn 370 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) và Techcombank thông qua hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus – Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân (private equity) hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Khoản đầu tư từ các nhà đầu tư mới là một phần trong nỗ lực tăng vốn trong năm 2018, giúp ngân hàng đẩy nhanh mục tiêu tăng trưởng.

Ông Nguyễn Nhân Nghĩa từng là công tác tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Kim Anh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết