Siết chặt tín dụng, đảm bảo vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các tổ chức tín dụng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt nhất, lãi vay hợp lý. Dù có thể thắt chặt tín dụng song không để 5 lĩnh vực ưu tiên bị thiếu vốn.

siet chat tin dung dam bao von cho 5 linh vuc uu tien
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hôi nghị

Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ngày 16/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Theo ông Tú, ngành ngân hàng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước khi tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách, thủ tục hành chính….giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn của các TCTD ngày càng thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, về chính sách lãi suất, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống, hoạt động hiệu quả….

Trong năm 2019, theo ông Tú, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dù phải thắt chặt tín dụng như thế nào thì ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.

“Nếu thắt chặt tín dụng thì cũng sẽ chỉ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro”, ông Tú nói và cho hay, các ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên…

Theo báo cáo của NHH, trong 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%), tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.

Từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195 nghìn doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Đơn cử, tại Hà Nội, trong năm 2018, các TCTD đã giải ngân cho vay mới 120 nghìn tỷ cho 10.310 doanh nghiệp trên địa bàn với lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 6-6,5%/năm, lãi vay trung và dài hạn là 8-9%/nămđiều chỉnh giảm lãi suất cho vay 12.150 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 doanh nghiệp.

Dù vậy, các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo…

Mai Lan

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết