Sơn Dương - Tuyên Quang: Cát tặc 'tung hoành', đất nông nghiệp trôi sông

Trên địa bàn huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đang có tình trạng các tàu ngang nhiên khai thác cát, sỏi trên lòng sông Lô ngoài giờ, ngoài khu vực được cấp phép, khai thác gần bờ gây sạt lở, ô nhiễm môi trường.

Đưa phương tiện vào sát bờ khai thác cát

Cuối tháng 7/2021, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đánh giá, về quản lý khoáng sản, một số đơn vị còn khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất quy định, thiết bị chưa được đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời, còn nhiều bến bãi tập kết khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, nhiều vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép... chưa được xử lý dứt điểm, còn để tái diễn.

Trong thời gian qua, theo ghi nhận của Phóng viên, dọc tuyến sông Lô đoạn qua địa phận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng đang tồn tại bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) như những gì mà Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề cập.

Sơn Dương - Tuyên Quang: Cát tặc 'tung hoành', đất nông nghiệp trôi sông - Ảnh 1
Theo phản ánh của người dân tình trạng khai thác cát, sỏi trên lòng sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh diễn ra từ đầu tháng 9/2021. (Ảnh cắt từ clip người dân cung cấp)

Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, người dân sinh sống trên địa bàn xã Trường Sinh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) phát hiện ra hàng loạt tàu hút, tàu cuốc hoán cải “lầm lũi” kéo sát vào bãi bồi thuộc địa phận Khu 6 khai thác cát, sỏi.

Hơn 5 giờ sáng, người dân sinh sống hai bên bờ sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh đã bị đánh thức bởi tiếng máy nổ chát chúa phát ra từ những chiếc tàu hút, tàu cuốc đang hoạt động hết công suất dưới lòng sông Lô. Có ngày 3 - 4 tàu hút, tàu cuốc hoán cải kéo nhau cắm thẳng vòi vào đất soi bãi của người dân để hút cát.

Theo phản ánh của người dân thì các tàu này đều không được đăng ký, đăng kiểm, không đeo biển báo theo quy định. Hàng nghìn khối cát được những "con quái vật" này đưa khỏi lòng sông lấp đầy “bụng" những chiếc tàu hàng đang cập bến sát bên để nhận hàng. Cách đó không xa, hàng chục chiếc tàu chở hàng từ khắp nơi đang neo đậu chờ để “ăn hàng”.

Theo người dân xã Trường Sinh, khu vực các tàu hút, tàu cuốc hoán cải này đang khai thác cát không có doanh nghiệp nào được cấp phép. Ban đầu chỉ đưa một tàu, rồi tăng dần lên hai, ba tàu hoạt động hết công suất.

“Sau mấy hôm đầu vừa hoạt động vừa thăm dò thái độ của người dân và cơ quan chức năng, họ kéo cả tàu cẩu dây văng về đây nằm chờ để đưa vào khai thác cát”, một người dân cho biết.

Sơn Dương - Tuyên Quang: Cát tặc 'tung hoành', đất nông nghiệp trôi sông - Ảnh 2
Các tàu khai thác khoáng sản gần bờ không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản. (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp).

Cũng theo thông tin người dân địa phương cung cấp thì các đối tượng này cho tàu khai thác cát hoạt động liên tục từ 5h sáng đến tận tối mịt mới nghỉ, có nhiều ngày các đối tượng này còn đưa cả tàu hút tự hành ra cắm sát vòi hút vào chân bãi soi của người dân để hút cát. Sau khi hút đầy “bụng”, các đối tượng cho tàu chở hàng đi nơi khác. Quá trình khai thác cát này lặp đi lặp lại gần 1 tháng nay nhưng chưa bị ngăn chặn xử lý.

Toàn bộ quá trình khai thác cát của các tàu này được cảnh giới hết sức cẩn thận. Chỉ cần xuất hiện người, phương tiện lạ ở gần khu vực khai thác thì các đối tượng đang khai thác dưới sông đã nắm được. Mỗi khi “có động”, các đối tượng này sẵn sàng đưa phương tiện sang địa phận tỉnh Phú Thọ để “né” sự kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang. Các đối tượng sẵn sàng chấp nhận để phương tiện nằm bờ nhiều ngày liền, sau khi “yên ắng” mới hoạt động trở lại.

Người dân phản đối hoạt động khai thác

Theo những hình ảnh người dân cung cấp mới nhất vào các ngày 1,2,3,4/10, một tàu cuốc hoán cải đã cắm thẳng vào chân bãi soi của người dân thuộc địa phận khu 6 xã Trường Sinh để khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng. Hàng nghìn mét khối đất cùng cây cối hoa màu đang trồng trên bãi soi của người dân bị kéo xuống sông Lô theo vòi hút của các đối tượng khai thác cát trái phép. Cách khu vực các tàu khai thác cát không xa, có biển cảnh báo sạt lở, cấm khai thác cát.

Sơn Dương - Tuyên Quang: Cát tặc 'tung hoành', đất nông nghiệp trôi sông - Ảnh 3
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát trái phép gây ra trên địa bàn xã Trường Sinh. Hình ảnh được ghi lại vào trưa ngày 2/10. (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp)

Việc các đối tượng khai thác cát gần bờ khiến hàng chục nghìn mét vuông đất soi bãi của người dân xã Trường Sinh bị đe dọa, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào mà còn đe dọa sự an toàn của tuyến đê Tuyên Quang. Để ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép của các đối tượng trên, bảo vệ soi bãi của gia đình người dân địa phương đã tự tổ chức canh giữ đất soi bãi của gia đình. Nhiều người dân đã sử dụng nỏ bắn đá tự chế để đánh đuổi các tàu hút, tàu cuốc khai thác sát bờ.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, phóng viên đã nhiều lần thông tin đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực.

Chiều ngày 2/10, trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết: “Anh em tổ công tác đặc biệt của tỉnh, huyện đang phối hợp với lực lượng cán bộ của xã kiểm tra xử lý. Đồng chí Trưởng Công an huyện yêu cầu báo cáo với đồng chí Chủ tịch huyện ngày 2 lần bằng hình ảnh về tình trạng khai thác cát sỏi”.

Cũng theo ông Trường, hiện các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm quy định về khai thác cát lòng sông. Tổ công tác của tỉnh và huyện đã lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang xử lý hành chính về hành vi không cắm biển báo, không lập danh giới đối với một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên địa bàn xã.

Ngoài ra, ông Trường cho biết thì trên địa bàn hiện chỉ có Công ty cổ phần Khoáng sản Tân Hà (phường Tân Hà, TP.Tuyên Quang) được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này cũng chưa bàn giao cụ thể mốc giới khu vực được phép khai thác, cắm biển báo, thả phao neo theo quy định nên gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. UBND xã đã có văn bản báo cáo các cấp thẩm quyền có liên quan về sự việc trên.

Theo lời vị Chủ tịch xã thông tin đến Tạp chí Kinh tế Môi trường thì chính quyền địa phương hết sức quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái quy định trên địa bàn. Thế nhưng trên thực tế, những ngày qua vẫn xuất hiện một số tàu khai thác cát trái phép trên địa bàn. Vậy chính quyền các cấp đã làm hết trách nhiệm?

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nếu chính quyền các cấp không có biện pháp ngăn chặn triệt để nạn khai thác cát lậu thì hậu quả sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục, với mức độ nghiêm trọng hơn. Cứ mỗi lần xảy ra sạt lở thì nhà nước tiếp tục bỏ kinh phí ra để khắc phục, nhưng cách làm này không bền vững...

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Tân - Xuân Hòa