New Delhi bị xem là thủ đô có không khí ô nhiễm nhất. (Nguồn: Reuters) |
Từ bán oxy cho đến mưa nhân tạo, nhiều ý tưởng và sáng kiến đã được đề ra trong năm 2019 nhằm chống lại cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ.
Theo đánh giá của IQ AirVisual - một tổ chức chuyên đánh giá chất lượng không khí toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ - và tổ chức Greenpeace, Ấn Độ hiện có tới 15-20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó New Delhi bị xem là thủ đô có không khí ô nhiễm nhất.
Theo đó, một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Ấn Độ, trong đó có New Delhi với khoảng 20 triệu dân, đã bị chìm trong làn khói độc hại vào mùa Đông.
Khí thải từ các phương tiện, các ngành công nghiệp, bụi từ công trường xây dựng, khói từ hoạt động đốt rác và rơm rạ đã góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng về ô nhiễm không khí.
Sau đây là một số biện pháp mà nhà chức trách, các kỹ sư và các công ty Ấn Độ đã tìm cách giúp người dân nước này có thể hít thở không khí trong lành hơn:
Quán bar oxy
Để hít thở không khí sạch, người dân New Delhi có thể đến Oxy Pure, một quán bar cung cấp dịch vụ hít thở oxy trong 15 phút chỉ với giá 7 USD và với 7 mùi hương khác nhau như oải hương, sả, quế và bạc hà.
Quán bar Oxy Pure ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Gulf Times) |
Tuy nhiên, đây không phải là mức giá dễ chịu tại một quốc gia mà trung bình mỗi người chỉ chi tiêu 1,8 USD/ngày.
Lon không khí sạch
Khi mức ô nhiễm đã lên mức nguy hiểm, người dân Ấn Độ có thể lên mạng và đặt mua lon không khí.
Một số công ty như Vitality Air tại Canada, Pure Himalayan Air của Ấn Độ, đã bán không khí sạch trong chiếc lon có dung tích 10l với mức giá từ 550 rupee (7,7 USD) đến 5.400 rupee (75 USD). Ước tính trung bình mỗi người trưởng thành hít thở khoảng 8l không khí/phút.
Máy lọc không khí cầm tay
Các bác sỹ từng nhận định chất lượng không khí tại New Delhi độc hại tương đương với việc hút 20 điếu thuốc lá/ngày.
Do đó, với những ai không muốn giam mình trong nhà vào những ngày khói mù, một chiếc máy lọc mini có thể đeo trên người AirTamer chính là câu trả lời.
Chiếc máy lọc mini có thể đeo trên người AirTamer. (Nguồn: indianexpress) |
Thiết bị có khối lượng 50gr này có thể đeo lên người giống như dây chuyền, phát ra các ion âm giúp đẩy lùi các chất gây ô nhiễm. Sản phẩm này được bán tại New Delhi với mức giá gần 10.000 rupee (140 USD).
Phân loại xe lưu hành theo biển số chẵn lẻ
Tháng 11 vừa qua, giới chức New Delhi đã hạn chế việc sử dụng xe cá nhân trong 2 tuần thông qua một hệ thống phân loại, trong đó cho phép xe chỉ hoạt động luân phiên theo ngày tùy theo đuôi biển số xe là chẵn hay lẻ.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã không đạt được kế quả đáng kể. Các nhà môi trường đã hối thúc chính phủ hành động khẩn cấp nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm không khí.
Mưa nhân tạo
Nhà chức trách New Delhi đã cân nhắc việc sử dụng công nghệ đám mây do Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) phát triển nhằm tạo mưa và giảm mức ô nhiễm.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do không có máy bay hay đủ sự hỗ trợ công nghệ cần thiết để phát tán mây.
Lắp đặt tháp lọc không khí trên đường
Nhiều máy lọc không khí khổng lồ đã được lắp đặt tại các đoạn giao cắt đông đúc ở thủ đô New Delhi nhằm chống lại bụi bẩn trên đường và ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện.
Tháng 11 vừa qua, tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu Chính phủ liên bang và chính quyền New Delhi lập các "tháp khói" giống như Trung Quốc. Những tháp này đóng vai trò là máy hút bụi khổng lồ.
Một thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khítại New Delhi. (Nguồn: hindustantimes) |
Tuy nhiên, các nhà môi trường cho rằng đây chỉ là biện pháp mang tính "chắp vá" do nó không giảm bớt được các hạt bụi siêu nhỏ có thể ngấm vào phổi và máu.
Máy lọc không khí tại Taj Mahal
Cũng trong tháng 11, hai máy lọc không khí di động đã được trang bị tại đền Taj Mahal khi khói mù độc hại bao phủ lấy công trình có từ thế kỷ 17 này. Ô nhiễm đã khiến đá cẩm thạch trắng chuyển sang màu vàng và xanh.
Trạm xe buýt chống bụi bẩn
Nhằm cung cấp không khí sạch cho hành khách, một số trạm xe buýt tại New Delhi đã phủ những tấm nhựa dày, để tạo ra những căn phòng có không khí sạch.
Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng điều này không thực sự thực tiễn khi người dân sẽ lại nhanh chóng ra đường và hít thở bụi bẩn.
Sản xuất mực từ chất gây ô nhiễm
Các kỹ sư IIT đã phát triển được Chakr Innovations, công nghệ có thể tận dụng khói thải ra từ các máy phát điện sử dụng diesel thông qua việc biến muội thành mực và sơn. Công nghệ này có thể hút được 90% chất gây ô nhiễm.
Công ty đã lắp đặt hơn 50 thiết bị như vậy trong các văn phòng chính phủ và doanh nghiệp nhà nước và các công ty phát triển bất động sản.