Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Những quy định mới tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và tác động của những quy định này đối với cá nhân, doanh nghiệp ra sao?

Công ty Luật Toàn cầu ATA phân tích những quy định mới tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và tác động của những quy định này đối với cá nhân, doanh nghiệp.

Lời dẫn: Trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, để khắc phục một số bất cập và điều chỉnh các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 09/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xây dựng hồ sơ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (“Dự thảo”) với nhiều nội dung đề xuất điều chỉnh, bổ sung so với quy định hiện hành.

Không bàn tới những nội dung được đưa vào Nghị định, trong bài viết này, Ban Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường giới thiệu nội dung mà Công ty Luật Toàn cầu ATA sẽ phân tích những quy định mới tại Dự thảo và đánh giá sơ bộ về những tác động của những quy định đó đối với cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh 1

Bổ sung nhiều quy định mới về chủ thể và điều kiện thành lập, quản lý doanh nghiệp

Dự thảo mở rộng đối tượng chủ thể được tham gia góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp, cụ thể là viên chức làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, thành lập, quản lý doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra. Nội dung này phù hợp với tinh thần tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, Dự thảo chính thức ghi nhận một đối tượng mới là “cá nhân kinh doanh” theo hướng giao “Chính phủ quy định việc đăng ký và hoạt động của đối tượng này.

Bên cạnh việc mở rộng chủ thể, Dự thảo đã bổ sung quy định theo hướng cấm, hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế. Cụ thể: Người thành lập hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới. Quy định mới này theo chúng tôi là phù hợp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho bên thứ ba trong các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp, cổ đông hoặc người quản lý của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng góp phần tăng cường trách nhiệm của những người liên quan trong quá trình triển khai thành lập và điều hành một doanh nghiệp.

Bổsung quy định yêu cầu doanhnghiệp phải cung cấp bằng chứng về việc hoàn thành góp vốn khi đăng ký thay đổi vốn điều lệ

Để giảm thiểu các trường hợp tăng vốn “ảo”, Dự thảo bổ sung quy định việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh hoàn tất việc thay đổi vốn điều lệ. Có thể thấy, các nhà làm luật rất chú trọng việc quản lý công tác góp vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với quy định này, ATA cho rằng Dự thảo đang bổ sung yếu tố “kiểm soát” vào công tác đăng ký kinh doanh. Điều này đang chưa thực sự phù hợp với tinh thần “chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm” đã được đề ra tại Nghị quyết. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thêm hồ sơ chứng minh việc góp vốn, nhà làm luật có thể quy định theo hướng bổ sung vấn đề góp vốn là một trong những nội dung cần kiểm tra/ thanh tra doanh nghiệp sau khi được cấp phép và việc kê khai, đăng ký vốn “ảo” sẽ bị xử phạt nặng và/hoặc là cơ sở để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tăng sức “răn đe” và tính “trách nhiệm” đối với doanh nghiệp.

Bổsung các quy định tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp:

Tháo gỡ vướng mắc khi xác định thẩm quyền quyết định của các cơ quan/cấp nội bộ doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cơ sở để xác định thẩm quyền quyết định của các cơ quan/cấp nội bộ của doanh nghiệp (Đại hội cổ đông/Hội đồng Quản trị/(Tổng) Giám đốc trong công ty cổ phần hoặc Hội đồng Thành viên/(Tổng) Giám đốc trong công ty TNHH) là dựa trên tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính (“BCTC”) gần nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, với mô hình công ty mẹ con, việc xác định giá trị này trở nên rất dễ gây tranh cãi, tranh chấp giữa các cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, nếu có công ty con, công ty mẹ sẽ cùng lúc tồn tại 2 loại báo cáo tài chính là BCTC hợp nhất và BCTC riêng lẻ. Giá trị tổng tài sản của công ty mẹ tại 2 BCTC này là vô cùng khác biệt. Việc xác định theo giá trị tại BCTC nào hầu hết là do nhóm cổ đông lớn hoặc người quản lý nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, tuỳ theo con số nào có lợi cho họ.

Chính vì vậy, để áp dụng thống nhất và bảo đảm quyền lợi cho tất cả cổ đông, thành viên góp vốn, đặc biệt là các cổ đông, thành viên nhỏ, Dự thảo đã bổ sung quy định rõ về cơ sở để xác định thẩm quyền quyết định của các cơ quan/cấp nội bộ của doanh nghiệp là dựa trên tổng giá trị tài sản được ghi trong BCTC riêng lẻ.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác đăng ký kinh doanh của công ty đại chúng

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có thay đổi nội dung về cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp và chưa tính đến trường hợp của các công ty đại chúng.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019, công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết – UPCOM trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Để có thể giao dịch tại UPCOM, công ty đại chúng sẽ phải đăng ký và cổ đông công ty đại chúng phải lưu ký cổ phiếu tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Do vậy, công ty đại chúng sẽ không “trực tiếp” quản lý cổ đông và sẽ không thể “cập nhật” thông tin cổ đông hay số liệu giao dịch của cổ đông. Chính vì vậy, việc yêu cầu công ty đại chúng phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có thay đổi thông tin về cổ đông nước ngoài là không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để phù hợp với thực tiễn, Dự thảo đã bổ sung “công ty đăng ký giao dịch chứng khoán” vào trường hợp được loại trừ nghĩa vụ thực hiện thủ tục thông báo nội dung đăng ký doanh nghiệp tương tự như trường hợp của “công ty niêm yết” tại Luật Doanh nghiệp 2020 hiện hành.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh 2

Bổsung quy định mới về “Chủ sở hữu hưởng lợi”

Đây là một trong những điểm mới nổi bật trong Dự thảo lần này. Theo đó, Dự thảo đưa ra định nghĩa về “Chủ sở hữu hưởng lợi” và bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề này như sau:

“Chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp là các cá nhân có một trong các tiêu chí sau:

(i) Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

(ii) Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp;

(iii) Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối hoạt động doanh nghiệp.

Diễn đạt một cách dễ hiểu, “chủ sở hữu hưởng lợi” chính là chủ thực sự của doanh nghiệp đó. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp các cá nhân cùng thành lập doanh nghiệp và sau đó dùng doanh nghiệp đó để góp vốn, mua cổ phần và mở rộng mạng lưới tới các công ty con, cháu, chắt. Tuy các cá nhân cổ đông của công ty mẹ không phải là người nắm giữ cổ phần/vốn góp của công ty con, cháu, chắt nhưng thực tế, họ vẫn là người chi phối hầu hết các quyết định lớn của doanh nghiệp. Theo đó, nhiều trường hợp các cá nhân này đã lạm dụng việc kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác kéo theo hệ lụy lớn không chỉ cho doanh nghiệp và mà ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư nước ngoài – là những bên “rót vốn” cho doanh nghiệp.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, Dự thảo bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp trong việc thu thập và báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý về Đăng ký kinh doanh các thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi”, cụ thể:

+Doanh nghiệp phải thông báo thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi” tại thời điểm thành lập hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ phát sinh thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi”.

+Doanh nghiệp phải lưu giữ thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi” trong suốt thời gian hoạt động và ít nhất 05 năm sau khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

+Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kịp thời và đầy đủ về doanh nghiệp mà mình là “chủ sở hữu hưởng lợi”.

+Doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp đã tồn tại và hoạt động trước ngày Dự thảo chính thức được thông qua sẽ phải tiến hành việc thông báo, cập nhật thông tin về “chủ sở hữu hưởng lợi” cho cơ quan Đăng ký kinh doanh ngay tại lần đăng ký kinh doanh gần nhất.

Theo đánh giá của ATA, xuất phát từ mục tiêu phòng chống rửa tiền và thực hiện các cam kết quốc tế, việc Dự thảo bổ sung các quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi có một số băn khoăn đối với quy định này như sau:

Làm thế nào để xác định này chính xác “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp?

Theo Dự thảo, một trong những đối tượng được xác định là “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp là “cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp”. Tuy nhiên, định nghĩa này quá chung chung và rất dễ dẫn đến hiểu sai khi thực hiện. Ví dụ, có những trường hợp cá nhân là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng Giám đốc Công ty, tuy không sở hữu cổ phần/vốn góp hoặc chỉ sở hữu một tỷ lệ nhỏ nhưng có “tiếng nói” lớn và các quyết định của những người này có “trọng lượng” đối với doanh nghiệp. Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể có nhiều người như vậy. Vậy những người này có được coi là “cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp” không? Xét về ngữ nghĩa của từ “cuối cùng”, có thể hiểu 1 doanh nghiệp sẽ chỉ có thể có 1 cá nhân là “chủ sở hữu hưởng lợi” thôi không? Như vậy, Dự thảo hoặc các nhà làm luật cần quy định rõ hoặc giao nhiệm vụ cho Chính phủ quy định rõ các tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp xác định được các cá nhân này.

Quy định này liệu có thực sự phù hợp với các công ty đại chúng/ công ty niêm yết?

Như đã trình bày tại mục 3.2 ở trên, các công ty niêm yết, công ty đại chúng không trực tiếp quản lý các thông tin của cổ đông cũng như các thông tin giao dịch chứng khoán của cổ đông. Thêm vào đó, khi tự mình hoặc cùng người liên quan sở hữu từ 5% trở lên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng thì chính các cổ đông này đã phải thực hiện thủ tục báo cáo, công bố thông tin tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán và trên toàn thị trường. Do vậy, việc yêu cầu công ty đại chúng, công ty niêm yết thực hiện thêm một thủ tục nữa là thông báo về thông tin của “chủ sở hữu hưởng lợi” cho cơ quan Đăng ký kinh doanh là không thực sự cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp xác định “chủ sở hữu hưởng lợi” theo tiêu chí tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp.

Trên đây là một số thông tin cập nhật trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp của Công ty Luật Toàn cầu ATA nhằm giúp doanh nghiệp, cá nhân nắm bắt kịp thời và chủ động chuẩn bị cho những thay đổi trong thời gian tới.

Nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2020 là bước đi cần thiết và là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nội dung tại Dự thảo còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc, đánh giá toàn diện trước khi chính thức áp dụng và/hoặc phải có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để doanh nghiệp có thể thuận lợi trong công tác triển khai.