Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Science vào ngày 23/4, các nhà nghiên cứu Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) phát hiện 1/5 giếng trên toàn thế giới có nguy cơ bị cạn kiệt trong tương lai gần, nếu mực nước ngầm giảm xuống vài mét.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu hồ sơ xây dựng của gần 39 triệu giếng nước ngầm ở 40 quốc gia, bao gồm thông tin về vị trí, độ sâu, mục đích và ngày xây dựng của chúng. Họ nhận thấy từ 6 đến 20% tổng số giếng trên thế giới có độ sâu không quá 5 m so với mực nước ngầm tại các địa phương.
Debra Perrone, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, nếu các tầng chứa nước tiếp tục giảm với tốc độ hiện tại, nhiều giếng trong số đó có thể bắt đầu cạn kiệt trong những thập kỷ tới.
Nguy cơ cạn kiệt cũng diễn ra tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức đang suy giảm nhanh chóng. Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nước ngầm trở thành mối đe dọa tới cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt tự do xả ra môi trường không qua xử lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước sạch.
Theo ước tính, trung bình một người sử dụng 500 - 800 lít/ngày so với 60 - 150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển. Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát.
Với các số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy, đến hết tháng 3/2020, cả nước hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; 11/55 tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước).
Theo thống kê, bình quân lượng nước nội sinh theo đầu người ở nước ta hiện mới đạt 3.400 m3/năm và đang giảm dần. Nếu tỉ lệ này dưới 4.000 m3/người/năm, quốc gia đó là quốc gia thiếu nước. Nhu cầu nước gia tăng nhanh trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm. Nhiều lưu vực sông bị khai thác quá mức.
Tính riêng trong mùa khô năm 2015-2016, đã có 10 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng, 4 sông đã đến mức rất căng thẳng gồm: sông Mã, cụm sông Đông Nam bộ, sông Hương và sông Đồng Nai. Một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức, suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với KTĐT, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của Chính phủ và nhân dân trong những năm qua đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ về nước sạch.
Đến năm 2019, ở nước ta đã có trên 86% dân cư đô thị có nước sạch và trên 90% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt trong đó có 43% đạt tiêu chuẩn nước sạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thể thao giải trí và nạn phá rừng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch vừa suy giảm chất lượng.
Cụ thể, tại Hà Nội, nguồn nước ngầm cũng có nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm. Một số nguồn nước ngầm bị ô nhiễm asen, amonia. Nguồn nước lấy từ sông Đà cũng có nguy cơ cao ô nhiễm từ thượng nguồn do người dân dùng hóa chất trừ sâu trong nông nghiệp hoặc do các nguồn ô nhiễm khác, điển hình là vụ ô nhiễm styren năm 2019.
“Các vùng ngoại thành Hà Nội do nhiều nơi phát triển làng nghề thiếu quy hoạch nên không còn nguồn nước ăn uống do ô nhiễm. Lưu vực sông Hồng, sông Cầu cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nguồn chất thải công nghiệp, nông nghiệp trên thượng nguồn. Các sân golf, khu du lịch, resort đang phát triển cũng là những nguồn ô nhiễm nước rất quan trọng. Nếu không có các đối sách phù hợp thì trong 20 năm tới Việt Nam sẽ thiếu nước sạch trầm trọng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô. Rừng đầu nguồn suy giảm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mặn xâm nhập cũng tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Bộ TN&MT đang hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động cấp phép, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải; đồng thời, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước...
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: "Ngành Tài nguyên môi trường đang xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế".
Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2021
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phát động tổ chức Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2021.
Với chủ đề “Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng”, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2021 nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia và cam kết của gia đình, cộng đồng, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cấp nước sạch nông thôn, ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021, lồng ghép hưởng ứng các sự kiện tài nguyên và môi trường như: Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học (22/5); Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường; Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01-8/6); Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021.