2 tháng đầu năm vốn FDI giảm mạnh vì dịch COVID-19. |
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ mới đây, tính đến 20/2/2020, cả nước có 500 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỉ USD, tăng hơn gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm kể cả đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mới chỉ đạt 6,47 tỉ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ KH&ĐT cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư… Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này, trong khi các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.
Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ KH&ĐT) cho rằng, vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong 2 tháng đầu năm 2020 có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đầu đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD.
Về vốn điều chỉnh, có 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký đạt 638,1 triệu USD, bằng 74,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, tăng 52,4% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỉ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,76 tỉ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.
Trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỉ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai, Hàn Quốc đứng thứ ba. Tiếp theo là Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản,…
Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỉ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. |
Các dự án đầu tư FDI hiện có mặt tại 48 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bạc Liêu dẫn đầu với một dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỉ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tính lũy kế đến 20/2, cả nước có 31.344 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 369,28 tỉ USD.
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 214,23 tỉ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất khi thu hút hơn 216 tỉ USD - chiếm 60% tổng vốn. Lĩnh vực bất động sản thu hút 58,6 tỉ USD (15,9%) và lĩnh vực sản xuất - phân phối điện với 27,7 tỉ USD (7,5%).
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện chiếm tỷ trọng cao nhất với 60,2% tổng vốn đăng ký và đạt 3,89 tỉ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút 1,76 tỉ USD, chiếm 27,3% tổng vốn nhưng có số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn lớn nhất.
Lũy kế tới hết tháng 2, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác dẫn đầu dòng vốn FDI với tổng vốn đăng ký 68,4 tỉ USD (chiếm 18,5% tổng vốn); Nhật Bản với 59,6 tỉ USD (16,1%), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
Trong 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 25,51 tỉ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 69,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 25,06 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức tăng thấp nhất của xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỉ USD, tăng 2,2% so cùng kỳ và chiếm 58,6% kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, xuất siêu 3,76 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 3,31 tỉ USD không kể dầu thô. Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 3,6 tỉ USD.