2020 - Năm của những sứ mệnh về môi trường

Những thảm họa thiên nhiên xảy ra năm 2019 không chỉ đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái toàn cầu mà còn tới cuộc sống của con người. Năm 2020, khi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu bắt đầu triển khai, cả thế giới cần chung tay đối phó với tình hình nguy cấp hiện tại và ngăn chặn “đại họa” có khả năng diễn ra trong tương lai.
Một năm gieo những mầm xanhCần hài hòa các trụ cột chính của phát triển bền vữngHai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

Trái đất liên tiếp báo tin buồn

Mặc dù vấn đề biến đổi khí hậu đã diễn ra trong hàng thập kỷ nhưng chưa bao giờ tác động của nó tới trái đất lại khủng khiếp như trong năm 2019.

Vào đầu năm 2019, lá phổi xanh của hành tinh – rừng Amazon bốc cháy. Hoạt động phá rừng để mở rộng đất nông nghiệp của người dân kết hợp với thời tiết khô hanh đã nhấn chìm khu rừng trong biển lửa, đỉnh điểm là vào tháng 8/2019. Ðám cháy đã hủy diệt ít nhất 7.747 km2 rừng thuộc lãnh thổ Brazil, cướp đi môi trường sống của hàng trăm ngàn sinh vật và góp phần thúc đẩy sự mất cân bằng sinh thái. Không những vậy, đám cháy còn thải ra khoảng 228 triệu tấn khí thải carbon vào tầng khí quyển, gây gia tăng hiệu ứng nhà kính làm Trái Ðất ấm lên. Cuộc sống của những bộ tộc thổ dân tại khu vực này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa trên.

Tại phía Bắc, tốc độ băng tan ở Greenland đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo BBC, năm 2019 đã ghi nhận ít nhất 370 tỉ tấn băng biến mất khỏi đảo do nhiệt độ trung bình năm đạt mức cao kỷ lục. Thật vậy, năm 2019 cũng được ghi nhận là một trong 2 năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại với nhiệt độ trung bình vào tháng 7 lên trên 40 độ C ở các nước châu Âu.

Băng tan, mực nước biển dâng, khô hạn, cháy rừng, ảnh hưởng của việc Trái Ðất ấm lên không chỉ dừng lại ở đó. Hệ sinh thái dưới lòng đại dương cũng chịu tổn thương trầm trọng. Rừng tảo bẹ và thềm san hô tại các vùng biển ven bờ là một trong những nơi đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với sinh thái biển. Diện tích thềm san hô tuy chỉ chiếm 0,1% bề mặt Trái Ðất nhưng lại là nơi cư trú của khoảng 25% sinh vật biển. Tương tự, những rừng tảo bẹ cũng là nhà của hàng ngàn loài sinh vật khác nhau. Hơn nữa, tảo bẹ còn góp phần kiểm soát lượng carbon trong khí quyển thông qua sự quang hợp với ước tính khoảng 600 triệu tấn CO2 toàn cầu được hấp thụ bởi các rừng tảo. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu đang khiến những hệ sinh thái giàu có này dần biến mất.

2020 nam cua nhung su menh ve moi truong
Rừng tảo bẹ (trái) và thảm san hô (phải): Hai hệ sinh thái phong phú nhất lòng đại dương đang đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi Trái Ðất.
2020 nam cua nhung su menh ve moi truong
George, cá thể cuối cùng của loài ốc sên cây Hawaii (trái) và chuột đuôi gấm Bramble Cay (phải) đã tuyệt chủng trong năm 2019.

Tờ The Guardian cho biết trong năm 2014-2019, quần thể nhím biển ven bờ tại Mỹ đã tăng tới 10.000% và chúng đã tàn phá 90% diện tích rừng tảo bẹ tại Bắc California. Một nửa quần thể san hô trên Trái Ðất cũng đã biến mất do biến đổi khí hậu và phần còn lại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu đã đề ra mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Ðất tăng chỉ trong khoảng 1,5 độ C nhưng theo Ðại học Cornell, mức nhiệt trên vẫn sẽ khiến quần thể san hô sụt giảm 70-95% và nếu nhiệt độ nước biển tăng tới 2 độ C, toàn hộ hệ sinh thái ở thảm san hô mà chúng ta từng biết sẽ vĩnh viễn biến mất.

Ngoài những đợt nóng kỷ lục tại châu Âu và Australia, năm 2019 cũng đã chứng kiến hàng chục cơn bão, lốc xoáy và lũ lụt nặng tại Iran, Mỹ và các nước trong khu vực Thái Bình Dương gây thiệt hại nặng về người và của.

Bên cạnh hàng loạt thiên tai và sự suy giảm hệ sinh thái biển, số lượng cá thể một số loài động vật cũng đang ở mức báo động, ví dụ như quần thể các loài ong tại Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Bỉ, 12% số loài ong đã tuyệt chủng trong môi trường hoang dã và 33% đang ở bên bờ vực bị xóa sổ do môi trường sống bị tàn phá, biến đổi khí hậu và việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định sự suy giảm số lượng ong sẽ đe dọa tới nền an ninh lương thực thế giới do cây trồng và rau mùa không được thụ phấn.

Ngoài ra, năm 2019 cũng đón nhận tin buồn về sự tuyệt chủng hoàn toàn của loài ốc sên cây Hawaii và chuột đuôi gấm Bramble Cay, một loài gặm nhấm đặc trưng của vùng châu Ðại dương. Loài chuột này cũng chính là loài động vật có vú đầu tiên tuyệt chủng do biến đổi khí hậu.

Khát vọng xanh 2020

Hàng loạt thảm họa và tin buồn về môi trường trong năm vừa qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh thúc giục các quốc gia cần hành động, đặc biệt là khi Hiệp ước Paris bắt đầu triển khai. Vậy thế giới cần đặt ra mục tiêu gì trong năm mới để đẩy lùi thực trạng đáng lo ngại hiện nay?

Là một trong những cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris và thông qua một số dự luật gây bất lợi cho môi trường của Tổng thống Trump đang dấy lên lo ngại cho công chúng. Với cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong năm nay, người dân đất nước này đang đặt kỳ vọng vào những ứng cử viên đặt ưu tiên giải quyết vấn nạn về khí hậu lên hàng đầu. Hy vọng sau ngày bầu cử, nước Mỹ sẽ có những thay đổi tích cực, thân thiện hơn với môi trường.

Từ năm 2007, Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra ba mục tiêu chống biến đổi khí hậu quan trọng cho năm 2020 bao gồm: Cắt giảm lượng khí thải nhà kính 20% so với năm 1990; Thay thế nhiên liệu hóa thạch sao cho 20% năng lượng tại châu Âu đến từ những nguồn nhiên liệu tái tạo; Tăng hiệu suất năng lượng lên 20%.

Mặc dù các lãnh đạo châu Âu lạc quan rằng họ sẽ đạt chỉ tiêu về cắt giảm khí thải nhà kính và năng lượng tái tạo nhưng mục tiêu đề ra nhằm bảo tồn đa dạng sinh học sẽ không thể hoàn thành trong năm 2020 mà phải chờ đợi thêm ít nhất một thập kỷ nữa.

Tại Việt Nam, điều đáng mừng là ý thức người dân, đặc biệt là các bạn trẻ về vấn đề môi trường đang ngày càng tiến bộ qua nhiều hành động như tổ chức dọn rác bờ biển, một số tiểu thương và siêu thị đã dần từ bỏ sử dụng túi nilon… cùng các chiến dịch sống xanh đang ngày càng lan tỏa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa đặt ra mục tiêu cụ thể và hành động gấp rút để chống biến đổi khí hậu mà phần lớn mới dừng lại ở giai đoạn tuyên truyền, vận động người dân về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Hy vọng sang một năm mới, phong trào sống xanh của giới trẻ Việt Nam và toàn thế giới sẽ truyền cảm hứng để lãnh đạo các nước đưa ra những thay đổi mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ màu xanh cho hành tinh của chúng ta.

Theo Phương Nguyên/Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết