Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có Công văn số 3680/BTNMT-TCMT về việc công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018.
Báo cáo này đã đưa ra đánh giá tổng quan về hiện trạng môi trường nước các lưu vực sông trong giai đoạn 2014 – 2018, phân tích những kết quả đạt cũng như những khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý môi trường nước. Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm nước, quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước hiệu quả trong thời gian tiếp theo
Cụ thể, Việt Nam hiện là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830-840 tỉ m3. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%.
Vấn đề đáng lo ngại là các lưu vực sông đang phải tiếp nhận chất thải từ các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
2/3 bãi chôn lấp rác sinh hoạt trên cả nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh minh họa |
Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng lớn chất thải rắn không được kiểm soát, đổ bừa bãi không những gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy. Số liệu từ báo cáo cho biết, tỉ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chỉ đạt khoảng 86%, trong khi các khu vực nông thôn đạt thấp ở mức từ 40-55% tùy theo từng khu vực.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 2/3 các bãi còn lại không đảm bảo các quy chuẩn của Bộ TN-MT. Chính các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.
Báo cáo của Bộ TN - MT cũng đã chỉ ra những thách thức đối với môi trường nước các lưu vực sông ở nước ta . Đó là vẫn tồn tại những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt; nguồn lực chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý tổng hợp lưu vực sông bao gồm các vấn đề quản lý liên ngành, liên vùng, kiểm soát nguồn thải, ứng phó, xử lý đối với các sự cố ô nhiễm môi trường nước; biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường xuyên biên giới đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông.
Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2018, có một số lưu vực sông vẫn duy trì chất lượng nước ở mức khá tốt như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Mê Kông; có những lưu vực sông chất lượng nước được cải thiện đáng kể qua từng năm (lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Trà Bồng - Trà Khúc, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai).
Hiện nay, những khu vực thuộc một số lưu vực sông vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trong thời gian dài và chưa được khắc phục như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, các sông nội thành Hà Nội, TPHCM, sông Ngũ Huyện Khê, khu vực thượng nguồn sông Mã… Có những khu vực sau khi được khắc phục cải tạo lại xảy ra tình trạng tái ô nhiễm.