Áp lực giao thông đô thị với phát triển bền vững

Thách thức lớn nhất của quá trình đô thị hóa là giải quyết các vấn đề về giao thông. Một đô thị, giải quyết tốt giao thông thì sẽ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại, giao thông đô thị không được giải quyết tốt sẽ trở thành lực cản và là nguy cơ lớn với sự phát triển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gợi ý tìm giải pháp phát triển giao thông thông minh, giảm phát thảiHà Nội đưa xe buýt điện vào hoạt động trong giai đoạn 2021-2025Đề xuất cấm dùng điện thoại khi lái xe ô tô

Manh mún và thiếu tính kết nối

Hệ thống giao thông công cộng đô thị hiện nay của Việt Nam chủ yếu gồm xe buýt và taxi, một số tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai tại hai thành phố lớn, TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. tỉ lệ đảm nhận của các phương tiện vận tải hành khách công cộng thấp, chỉ chiếm khoảng 8-10% nhu cầu. Điều này ngược lại với sự phát triển của hệ thống phương tiện cá nhân (xe ô tô con và xe máy) có xu thế đang gia tăng.

Số lượng, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đang ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhu cầu vận tải hàng hoá, nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ap luc giao thong do thi voi phat trien ben vung
Đường vành đai 3 của Hà Nội

Trong những năm trở lại đây, tại Hà Nội, nhiều công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng như đường Vành đai 3 trên cao, các hầm chui tại một số khu vực nút giao có mật độ giao thông lớn, đặc biệt là đường phố đã được đầu tư xây dựng, cải tạo góp phần tạo nên sự khang trang thông thoáng cho nhiều tuyến phố.

Tuy nhiên, mạng lưới phân bố không đồng đều, khu vực trung tâm có mạng đường tương đối hoàn chỉnh, khu vực ngoại thành có mạng đường chưa hoàn chỉnh, dẫn đến dân số tập trung vào khu vực nội đô làm cho mật độ giao thông lớn, ảnh hưởng tới việc tổ chức giao thông và các dịch vụ xã hội khác. Các tuyến nội đô thiếu các đường kết nối giữa các trục chính quan trọng. Khu dân cư cũ thiếu sự quản lý chặt chẽ theo quy hoạch.

Đa số đường đô thị có mặt cắt ngang hẹp từ 7m – 11m. Mạng đường bộ có nhiều giao cắt, chủ yếu giao cắt đồng mức. Chưa có sự phối hợp tốt giữa quản lý xây dựng các công trình giao thông và đô thị. Xu thế phát triển đô thị hướng Tây và Tây Nam làm tăng mật độ dân cư, nhu cầu đi lại lớn gây ùn tắc thường xuyên tại các trục đường chính.

Sự hạn chế nêu trên cùng với đà gia tăng đáng kể lượng phương tiện tham gia giao thông đã dẫn tới hai hậu quả nghiêm trọng là: Diện tích lòng đường bị phương tiện chiếm dụng tăng, nhiên liệu tiêu thụ nhiều hơn, và điều này tác động trực tiếp tới chất lượng không khí trong thành phố.

Vượt qua thách thức xây dựng đô thị bền vững

Hiện một số đô thị trên thế giới đang phải gánh chịu những tổn thất lớn do khủng hoảng về giao thông đô thị. Đô thị hóa trên thế giới đang diễn ra hết sức nhanh chóng và mang tính toàn cầu kéo theo sự bùng nổ về dân số, số lượng và quy mô đô thị, đặc biệt là ở các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ La Tinh. Đến nay tỉ lệ dân cư đô thị trên thế giới khoảng 55 - 60% và mức tăng hàng năm là 6,5%.

Nghiên cứu của Viện Qui hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho thấy, cùng với quá trình đô thị hoá, hàng loạt nguy cơ, thách thức đặt ra đối với giao thông vận tải đô thị. Đầu tiên là sự bùng nổ về xe máy và ô tô con cá nhân. Tốc độ tăng trưởng của xe máy ở các thành phố lớn Châu Á trong thập kỷ vừa qua là 10 - 30%/năm và của xe ô tô con cá nhân là từ 6 - 20%/năm. Đây là nguy cơ thách thức lớn nhất, các nguy cơ sau chỉ là hệ quả tất yếu của sự bùng nổ của các loại phương tiện cơ giới cá nhân.

ap luc giao thong do thi voi phat trien ben vung
Chất lượng giao thông công cộng của của các đô thị lớn của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Tiếp theo là giao thông chậm và ùn tắc. Đây là hệ quả tất yếu của sự mất cân đối giữa tốc độ gia tăng của phương tiện tham gia giao thông và năng lực thông qua của mạng lưới đường. Xu hướng cá nhân hoá và cơ giới hoá phương tiện đi lại luôn kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu và tình trạng ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khí xả…) do các loại phương tiện giao thông cơ giới gây nên.

Giao thông đô thị với tính chất là một hệ thống động mạch của đô thị, có quan hệ rất mật thiết với tăng trưởng kinh tế đô thị. Giao thông đô thị là cơ sở bảo đảm cho hoạt động kinh tế đô thị có thể tiến hành một cách bình thường, là điều kiện cần thiết của tăng trưởng kinh tế đô thị. Đồng thời, quy mô, tốc độ và trình độ phát triển của giao thông đô thị có quan hệ nhất định với quy mô, tốc độ và trình độ phát triển của kinh tế đô thị.

Quy mô và tốc độ phát triển của giao thông vận tải đô thị quyết định quy mô và tốc độ tổng đầu tư cho sản xuất của đô thị, do đó có thể nói, hệ thống giao thông quyết định quy mô và tốc độ phát triển của kinh tế đô thị. Trường hợp đầu tư cho sản xuất tại đô thị gia tăng, sẽ làm gia tăng lượng nguyên vật liệu, năng lượng và sản phẩm cuối cùng, yêu cầu sự gia tăng tương ứng về năng lực của giao thông vận tải.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, tại thời kỳ đầu của phát triển kinh tế của mỗi nước, sự gia tăng nhu cầu giao thông vận tải thường vượt quá sự gia tăng tổng mức sản xuất, cụ thể tỉ lệ tăng trưởng của lượng vận chuyển hàng hóa thường lớn hơn 2 - 3 lần tỉ lệ tăng trưởng tổng mức sản xuất. Với Việt Nam, trong quá trình đô thị hoá, các thành phần, bộ phận có liên quan đến giao thông đô thị và các yếu tố bên trong của chúng phát triển không đồng đều đã tạo nên sức ép đối với kết cấu hạ tầng đô thị của nước ta vốn còn nghèo nàn, chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện giao thông.

Soi vào thực tiễn với những gì đang diễn ra tại các đô thị của Việt Nam cho thấy, để tạo lập một đô thị bền vững, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao nhận thức của người dân; ứng dụng giao thông thông minh (ITS); xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho dịch vụ đường sắt, xe buýt để làm cơ sở đánh giá, quản lý nâng cao dần chất lượng giao thông công cộng. Trước mắt, cần giải quyết các khó khăn của hệ thống giao thông như hạn chế phương tiện cá nhân, quy hoạch sử dụng đất cho hạ tầng giao thông hợp lý, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng, để từ đó mang lại diện mạo mới cho giao thông đô thị.

Đặc biệt, cần thiết lập một hệ thống quản lý và tổ chức trong sạch, độc lập với các nhóm lợi ích trong vận hành và phát triển các đô thị. Bởi lẽ, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, những khái niệm về phát triển bền vững đang có thể bị phá vỡ và trở thành những mục tiêu, lợi ích khác nhau.

Theo (Ngọc Lý/TN&MT)

Xem thêm

Liên kết