Australia giải cứu 'cây khủng long' quý hiếm khỏi cháy rừng

Các lính cứu hỏa đã cứu được những cây thông Wollemi quý hiếm cuối cùng trên thế giới khỏi thảm họa cháy rừng Australia.
Ám ảnh cảnh tượng ở Australia trước và sau thảm họa cháy rừngAustralia bắn chết hơn 5.000 lạc đà hoang dã đe dọa cộng đồng thổ dânAustralia chi hơn 30 triệu USD cứu động vật hoang dã và môi trường

Cây thông Wollemi, còn gọi là “cây khủng long”, được xem là một trong những loài cây hiếm nhất trên thế giới. Hiện tại, chỉ còn chưa tới 200 cây thông tồn tại trong tự nhiên ở một hẻm núi tại khu vực Blue Mountains, phía Tây Bắc Sydney, bang New South Wales, nơi đã bị cháy rừng tàn phá trong nhiều tháng qua.

australia giai cuu cay khung long quy hiem khoi chay rung
Một chiếc máy bay thả chất chống cháy xuống khu rừng. (Ảnh: AFP)

Các lính cứu hỏa đã phải triển khai nhiều máy bay để thả chất chống cháy xuống khu rừng. Trực thăng cũng đưa các lính cứu hỏa di chuyển xuống hẻm núi để thiết lập một hệ thống cung cấp độ ẩm cho khu rừng.

Matt Kean, Bộ trưởng Môi trường bang New South Wales, cho biết: “Đây là một hoạt động bảo vệ môi trường chưa từng có. Trong khi một số cây đã bị cháy rừng thiêu rụi, phần còn lại của khu rừng đã được bảo vệ”, ông Matt Kean nói trong một tuyên bố vào ngày 15/1.

Những cây thông Wollemi, hơn 200 triệu năm tuổi, xuất hiện trước nhiều loài khủng long, được cho là đã bị tuyệt chủng cho đến khi khu rừng thông Wollemi được phát hiện vào năm 1994.

Vị trí của khu rừng vẫn là một bí mật được giữ kín để bảo vệ những cây thông không bị phá hủy bởi khách du lịch.

“Cho phép khách du lịch vào tham quan vẫn là mối đe dọa đối với sự sống của loài thông Wollemi do nguy cơ du khách giẫm đạp lên những cây đang tái sinh và gây ra các bệnh có thể tàn phá quần thể cây thông và sự phục hồi của chúng”, ông Kean cho biết.

Nhiều cây thông đã được di chuyển và phân phối tới các vườn thực vật trên khắp thế giới để bảo tồn loài, tuy nhiên, hẻm núi Wollemi là nơi duy nhất loài thông này sống trong môi trường tự nhiên.

Cháy rừng đã bùng phát ở Australia kể từ tháng 10/2019, khiến 28 người thiệt mạng, phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà và thiêu rụi 10 triệu hecta đất – một khu vực lớn hơn diện tích của Hàn Quốc hoặc Bồ Đào Nha.

Theo các nhóm môi trường, một tỉ động vật có thể đã chết do các vụ hỏa hoạn. Thảm họa cháy rừng cũng khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 16/1, khu vực cháy rừng tại Australia đang giảm nhiệt khi những cơn mưa lớn đã xuất hiện ở phía đông Australia.

Theo Mai Trang/VOV