Bài 1: Khám phá nền sinh học đa dạng tại Vườn quốc gia Phú Quốc

Rừng tự nhiên, rừng trồng và đa dạng sinh học (ÐDSH) ở Việt Nam nói chung và của Phú Quốc nói riêng là một tài sản vô giá đối với cuộc sống, là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên đất liền cũng như vùng biển đảo Tổ quốc.
Tăng cường quản lý sinh vật ngoại lai để bảo vệ đa dạng sinh học

Nghị quyết số 36 - NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với mục tiêu “Ðưa Việt Nam thành quốc gia biển mạnh trong đó có nhấn mạnh việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái (HST) biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) hình thành văn hóa sinh thái biển. Ðây là chủ trương, một chiến lược quốc gia đúng đắn, sáng tạo, thể hiện đầy đủ nội hàm khoa học nhân văn cao cả, dựa trên cơ sở thực tiễn đáp ứng nguyện vọng của 54 cộng đồng các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt đang sống, học tập, làm việc trên toàn thế giới. Việt Nam có rừng, có biển rộng lớn hàng triệu km2 trải dài từ Bắc xuống Nam, đang tích lũy một nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú trong đó có rừng và ÐDSH của Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc tỉnh Kiên Giang.

Ðịa danh khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc đã có tên trong danh mục hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam từ năm 1986 của thế kỷ XX, theo quyết định số 194 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm mục tiêu bảo vệ nguyên vẹn mẫu chuẩn HST, các cảnh quan thiên nhiên bảo tồn ÐDSH.

Hiện trạng rừng - Đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phú Quốc

kham pha nen sinh hoc da dang tai vuon quoc gia phu quoc
Rừng nguyên sinh tại Phú Quốc. Ảnh minh họa

VQG Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam được chuyển hạng từ khu Bảo thồn thiên nhiên (BTTN) theo Quyết định số 194/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/6/2001, với diện tích 31.422 ha/57.400 ha, tổng diện tích tự nhiên huyện đảo Phú Quốc chiếm 54,9%. Ðây là khu rừng tự nhiên có 9 kiểu thảm thực vật che phủ xanh tốt, rừng nguyên sinh cây họ Dầu, rừng thưa cây họ Dầu, rừng trên núi đá, rừng khô cạn, rừng thứ sinh ven biển, rừng ngập mặn, rừng Truông nham; rừng Sim mua, rừng Tràm gồm cây Tràm thưa và rừng Tràm bụi; Trong rừng, có nhiều suối lớn có nước quanh năm.

Do đặc điểm địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi tạo điều kiện hình thành nguồn tài nguyên ÐDSH phong phú, với 1.164 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 137 họ, 531 chi trong đó có nhiều cây gỗ quý, cùng với 155 loài cây dược liệu, nhiều cây cho dầu, cho quả, đặc biệt có 12 loài thực vật đặc hữu (Endemic) nghĩa là chỉ có ở Phú Quốc mà không có ở nơi nào khác: Cù đèn Phú Quốc (Croton phuquocensis Groiz), Diệp hạ châu Phú Quốc (Phyllanthus phuquocianus Beille), Tam Thụ hùng Phú Quốc (Trigonostemon phuquocensis Gogn), Chóp máu Phú Quốc (Salavia quocensis Tard), Gội Phú Quốc (gội ổi) (Aglaia phuquocensis Pierre), Tấu Phú Quốc (Xinenia americana Willd), Doi Phú Quốc (Archidendron quocense Pierre), Huỳnh đàn Phú Quốc (Dioxylum Cyrtophylum miqvar quocensis), Trèn Phú Quốc (Tarenna quocense pierre), Xuân Tôn Phú Quốc (Xamtonnea quocensis pierre), Lốp bốp Phú Quốc (Connarus Semidecandras Jack), An Ðiển Phú Quốc (Hedyotis quocensis pierre).

Ngoài ra, còn 9 loài thực vật rừng, động vật rừng thuộc diện nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ trong Nghị định số 06/2019/NÐ-CP; NÐ 160/2013/NÐ-CP cần được ưu tiên bảo tồn như Tùng cổ ngắn, Trầm hương, Trắc bông, Cẩm thị, Kim giao, Thiên tuế tròn...

kham pha nen sinh hoc da dang tai vuon quoc gia phu quoc
Các hệ sinh thái cùng động thực vật ở Phú Quốc được nghiên cứu và thống kê để phục vụ công tác bảo tồn, trong đó bao gồm các hệ sinh thái, động vật và thực vật trên rừng và dưới biển.

Về động vật, có 210 loài thuộc 125 chi, 78 bộ bao gồm 30 loài thú, 119 loài chim; 47 loài bò sát, 14 loài ếch nhái và hàng trăm loài côn trùng và 152 loài cá biển; 132 loài động vật thân mềm, 32 loài động vật da gai và các rạn san hô, cùng thảm cỏ biển rộng lớn. Trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam (2007), Sách Ðỏ IUCN (2018) và trong các Nghị định của Chính phủ về cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán trên thị trường, điển hình như: Bò biển (Dugon dugon), cá heo (Pagemodelphil, Voọc bạc (Trachypithecus vilosus), Sóc đỏ Phú quốc (Callosciurus finlaysia), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), Cu li lớn (Ngcticebus bengalensis), Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rái cá thường (Lutra lutra,) Sóc bay nhỏ (Hylopeles phayei), Tắc kè (Gecko gecko), Nhông cát sọc (letopelit guentber pelerist), Vích (Chelonia mydas), Rắn cạp nong (Bun garus fasciatus), Rắn hổ mang (Naganaja), Rắn sọc dưa (Coelognathus radiata), trăn đất (Python molurus), Kỳ đà nước (Varanus salvator), Vạc hoa (Gorsachius maguificus) Bồ nông chân xám (Pelecanus phileppensis), Cốc đế (Phalacrocorax carbosiensis), Bói cá lớn (Magaceryle lugnbsix) Hồng Hoàng (buceros bicornis).

Bên cạnh các loài, các nguồn gen hoang dã thì HST biển đảo Phú Quốc còn có nguồn tài nguyên cây trồng, vật nuôi không chỉ có giá trị kinh tế lớn mà còn có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen bản địa như Chó Phú Quốc (Canis familiaris), Bò biển (Dugon Dugon).

Ðây là nguồn vốn tự nhiên và nhân tạo vô cùng quý báu không chỉ đối với vùng biển đảo Phú Quốc mà còn cả đối với Việt Nam và cả khu vực ASEAN, là tiềm năng lớn đã được thích nghi với khí hậu biển đảo Tây Nam, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm sóng gió của lịch sử, của các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Để đến ngày nay, đất biển Kiên Giang có được một nguồn tài nguyên ÐDSH trên rừng dưới biển, là nguồn lực không có gì có thể thay thế được trong xây dựng quy hoạch phát triển bền vững các công trình biển trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại mà sự kết nối, hợp tác rộng rãi, đa lĩnh vực của các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra. Tuy nhiên, tình trạng nước biển dâng cao, hạn hán khô nóng ngày càng trầm trọng trên cạn và vùng biển ở Việt Nam nói chung và huyện đảo Phú Quốc nói riêng.

Giá trị của rừng và đa dạng sinh học VQG Phú Quốc trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam

kham pha nen sinh hoc da dang tai vuon quoc gia phu quoc
Phải có tầm nhìn đúng đắn trong mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, giữa các cộng đồng trên đất liền với vùng biển đảo Phú Quốc – hòn đảo Ngọc phương Nam, xứng danh là khu kinh tế đặc thù bền vững. Ảnh minh họa

Rừng tự nhiên, rừng trồng và ÐDSH ở Việt Nam nói chung và của Phú Quốc nói riêng là một tài sản vô giá đối với cuộc sống, là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên đất liền cũng như vùng biển đảo. Thực vậy, các khu rừng tự nhiên hay các khu rừng do con người trồng và ÐDSH ngay từ thuở sơ khai cho đến thời kỳ CNH, HÐH không những góp phần duy trì sự cân bằng hóa học trên trái đất làm ổn định khí hậu, mà chúng còn cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩm cần thiết, phục vụ cho mọi phúc lợi của xã hội, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái và an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Bởi các giá trị dịch vụ của rừng, các HST và ÐDSH là nền tảng để phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên đất liền cũng như ở vùng biển đảo (như du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch giải trí, du lịch nghiên cứu khám phá các nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng thông qua kiến thức bản địa truyền thống); Đồng thời đó cũng là những bể lưu giữ carbon, lưu giữ nguồn nước tạo năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong các vùng biển.

Theo Janowiak (2017) trường Ðại học Kentucky (Hoa Kỳ), 1 ha trảng cỏ được bảo vệ có thể dự trữ tới 130 - 150 kg carbon; 1 ha rừng trong 1 ngày/đêm, có khả năng tích lũy được 120 - 180 tấn carbon đồng thời giải phóng ra 180 - 200 tấn oxy; Trong một năm, 1 ha rừng sẽ tiết ra không khí 14 tấn oxy và sẽ ngăn cản 50 - 70 tấn bụi và làm giảm được khoảng từ 30 - 40% lượng bụi bẩn trong không khí.

kham pha nen sinh hoc da dang tai vuon quoc gia phu quoc
Vườn quốc gia Phú Quốc - Nơi hội tụ thiên nhiên của vùng nhiệt đới. Ảnh minh họa

Rừng bất kể là rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn hay rừng trông đều có vai trò bảo vệ và tạo ra nguồn nước bởi các tầng, tán của thảm thực vật có chức năng quan trọng trong việc ngăn cản một phần nước mưa rơi xuống mặt đất và có vai trò phân phối lại nguồn nước này trong HST. Theo tính toán, lượng nước mưa được thảm thực vật trong rừng giữ lại 25 - 30% tổng lượng mưa, góp phần làm tăng khả năng thấm và giữ nước của đất, hạn chế dòng chảy trên mặt, các thảm mục trong rừng có khả năng giữ lượng nước bằng khoảng 100 - 900% trọng lượng của nó.

Theo tính toán thử nghiệm tại VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), sinh khối và khả năng hấp thụ carbon của cây gỗ ở rừng IIB (loại rừng phục hồi sau khai thác) bằng 87,42 tấn carbon/ha, còn các thành phần dưới tán rừng (cây gỗ gãy, cây bụi, thảm tươi, thảm mục, rễ...) cũng vô cùng quan trọng, có khả năng hấp thụ carbon tổng hợp 15,75 tấn/ha. Như vậy cứ 1 ha rừng tự nhiên có khả năng hấp thụ 87,42 tấn + 15,75 tấn = 103,17 tấn CO2/ha/năm.

Như vậy với một diện tích rừng tự nhiên 31.422 ha ở VQG Phú Quốc cùng với diện tích rừng trồng trên cạn, ven biển, trong các hộ gia đình không những là lá phối xanh mà còn là một "barie" địa hoa góp phần lưu giữ, che chắn các chất thải từ đất liền, là một bể dự trữ carbon, lưu giữ nguồn gen góp phần vào xây dựng phát triển bền vững các công trình biển Tây Nam của Tổ quốc nói riêng và Việt Nam nói chung.

VQG Phú Quốc là nơi sinh trưởng chính của loài Ghẹ xanh, các rạn san hô, thảm cỏ biển, là nơi kiếm ăn của loài Bò biển (dugon dugon). Ðây là một lợi thế, một tiềm năng thực sự về giá trị đích thực của VQG Phú Quốc trong các công trình biển phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cả về kinh tế, về bảo vệ màu xanh của môi trưởng biển trong an ninh quốc phòng, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia.

Nhưng điều đáng báo động tình trạng ô nhiễm, xâm hại diện tích đất rừng, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt trên bờ dưới biển đã ảnh hưởng đến sự phát triển của HST do lượng khách du lịch quá đông. Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quy hoạch du lịch phục vụ cho mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc thành một trung tâm du lịch – thương mại - nghỉ dưỡng có tầm cỡ khu vực và quốc tế là phải suy nghĩ, hành động nghiêm túc: Từ các chủ trương, chính sách, hành động, phải thực sự dựa trên luận cứ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học sinh thái biển; Phải có tầm nhìn đúng đắn trong mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, giữa các cộng đồng trên đất liền với vùng biển đảo Phú Quốc – hòn đảo Ngọc phương Nam, xứng danh là khu kinh tế đặc thù bền vững.

Ðây cũng là nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên của cộng đồng người Việt đối với “thần rừng, thần biển”, đồng thời để tỏ lòng tri ân, biết ơn vô hạn đối với các bậc tiền bối đã biết hy sinh, đã không tiếc máu xương, sức lực, trí tuệ, để gìn giữ vốn quý của Phú Quốc, làm nền tảng cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận vinh danh là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2006. Đó là vinh dự tự hào phải bảo vệ để con cháu hôm nay và mai sau được tận hưởng vốn quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng. Hãy coi nguồn vốn tự nhiên, ÐDSH, kiến thức, truyền thống quý báu của cộng đồng địa phương ở huyện đảo Phú Quốc là yếu tố nền trong công nghệ quy hoạch các công trình biển, đảo, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

(Còn nữa)

GS.TSKH. Ðặng Huy Huỳnh
Theo Tạp chí KTMT số 154 - Tháng 9/2019

Xem thêm

Liên kết