Bài 1: Nghìn tỉ đô la của doanh nghiệp 'bốc hơi' vì biến đổi khí hậu và những bài học 'xương máu'

Theo công bố mới đây của CDP (Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cung cấp thông tin về tác động của môi trường đến phát triển kinh tế), biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể khiến các doanh nghiệp (DN) lớn trên thế giới mất hơn 1 nghìn tỉ đô la trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, những sáng kiến về sản phẩm mới, dịch vụ mới giảm thiểu tác động lên môi trường có thể đem về lợi nhuận nhiều hơn thế. Theo CDP, những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm ít phát thải carbon và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới có thể đem về hơn 2 nghìn tỉ đô la.

Nghìn tỉ USD của Doanh nghiệp “bốc hơi” vì Biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới công bố đầu tháng 6/2019 của Trung tâm nghiên cứu khí hậu của Úc BNCCR (Breakthrough National Centre for Climate Restoration) cảnh báo rằng nền văn minh nhân loại có thể sụp đổ vào năm 2050 do tác động của BĐKH nếu không có hành động ngăn chặn kịp thời. Theo dự báo, hơn 1 tỉ người sẽ phải di dời, sản xuất lương thực giảm trầm trọng, một vài thành phố đông dân nhất thế giới sẽ chứng kiến cảnh tiêu điều khi cư dân không còn thiết tha sống ở thành phố. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng BĐKH hiện tại đã đạt được một nửa sức mạnh có thể huỷ diệt nền văn minh nhân loại.

bai 1 nghin ti do la cua doanh nghiep boc hoi vi bien doi khi hau va nhung bai hoc xuong mau
Doanh nghiệp chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu và những bài học 'xương máu'. Ảnh minh họa

Theo kịch bản dự báo, đến năm2050, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 3 độ C thì 55% dân số thế giới sẽ đối mặt với nhiệt độ chết người khoảng 20 ngày mỗi năm. Các khu vực Tây Phi, vùng nhiệt đới Trung Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á nền nhiệt chết người xuất hiện khoảng 100 ngày mỗi năm. Điều này khiến hàng tỉ người sẽ phải di dời để bảo toàn tính mạng. Nhìn vào thực tế ta thấy, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao đã và đang diễn biến rất phức tạp. Châu Âu vào thời điểm hiện tại đang phải đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục lên tới 45,9 độ C. Hàng chục người thiệt mạng vì nắng nóng đã được ghi nhận ở Pháp, Đức, Ý. Trước đó, tháng 8 năm 2003, gần 15.000 người ở Pháp thiệt mạng vì đợt nắng nóng kéo dài. BĐKH không chỉ đe doạ đến sự sinh tồn của nhân loại mà còn khiến kinh tế đình trệ, thất thoát hàng nghìn tỉ đô la của doanh nghiệp.

Nghiên cứu mới công bố đầu tháng 6/2019 của CDP cho thấy BĐKH tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Nghiên cứu thực hiện trên 7000 doanh nghiệp, bao gồm cả Microsoft, Apple, Visa cho thấy 80% doanh nghiệp tin rằng BĐKH sẽ biến đổi phức tạp trong thời gian tới, kéo theo nhiều loại hình thời tiết khắc nghiệt. Theo tính toán, các doanh nghiệp có thể mất hàng tỉ đô la do tác động của BĐKH gây ra khủng hoảng tài chính, bao gồm cả hư hỏng tài sản. Tuy đưa ra nhiều con số mất mát, các doanh nghiệp vẫn tin rằng hành động ngăn chặn kịp sẽ giảm thiểu tổn hại, thậm chí còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao hơn.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp lớn cho rằng BĐKH mở ra các cơ hội mới đáng giá tới 2,1 tỉ đô la. Trong đó phương tiện giao thông chạy bằng điện và năng lượng tái tạo là hai lĩnh vực được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Hai lĩnh vực này nhận được nhiều chú ý cũng dễ hiểu bởi điện và các sản phẩm nhiệt, phương tiện giao thông, sản xuất, xây dựng là những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH. CPD nhận định rằng sẽ có một làn sóng chuyển dịch sang các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Hành động của doanh nghiệp ứng phó với BĐKH

Rất nhiều sáng kiến để giảm thiểu tác động lên môi trường đã được các doanh nghiệp trên thế giới ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Xu hướng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường đang phát triển mạnh ở mạng giao thông vận tải, nông nghiệp và quản lý rác thải.

Phát triển xe điện

Quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện đang diễn ra mạnh mẽ ở các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải. Các hãng sản xuất ô tô vừa công bố đầu tư hơn 150 tỉ đô la để đến năm 2025 có thể sản xuất ra khoảng 13 triệu chiếc xe điện mỗi năm. Các doanh nghiệp có hoạt động gắn chặt với ô tô và vận tải cũng đang chuyển mình theo hướng giảm thiểu xả thải carbon bằng cách chuyển sang dùng xe điện.

bai 1 nghin ti do la cua doanh nghiep boc hoi vi bien doi khi hau va nhung bai hoc xuong mau

TP Hồ Chí Minh xúc tiến đầu tư xe buýt điện thông minh để giảm tải khí phát thải ra môi trường. Ảnh minh họa

DHL, một trong những doanh nghiệp vận chuyển quốc tế lớn nhất thế giới, đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng xe điện với mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm lượng khí thải liên quan đến logistics (ngành dịch vụ hậu cần) xuống bằng không. DHL đã sáng chế ra xe điện chuyên chở hàng hoá. Xe điện của DHL hiện được sử dụng rộng rãi khắp châu Âu.

Tại Mỹ, phương tiện giao thông đóng góp tới 28% lượng khí thải nhà kính toàn quốc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở Mỹ đặc biệt chú trọng vào các dự án phát triển xe điện. Tháng 2/2019, “đế chế” thương mại điện tử Amazon quyết định đầu tư 700 triệu đô la vào Tập đoàn xe điện Tesla với tham vọng cho ra đời xe điện mới vào năm 2020. Tập đoàn xe điện của Mỹ eMotorWerks hiện sở hữu hơn 6000 điểm sạc điện. eMotorWerks đã biến những điểm sạc điện này thành những chiếc pin lưu trữ ảo (một giải pháp thêm dung lượng lưu trữ vào lưới điện mà không phát sinh chi phí bổ sung cơ sở hạ tầng), từ đó khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Doanh nghiệp này còn trả phí cho các tài xế tham gia vào hệ thống này.

Cũng tham gia vào chiến dịch phát triển xe điện tại Mỹ, Công ty ChargePoint đầu tư lắp thêm các điểm sạc điện trên khắp nước Mỹ nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Tính đến tháng 3/2019, công ty này đã lắp được hơn 62.000 điểm sạc điện trên toàn nước Mỹ.

Biến vấn đề thành giải pháp

Các sản phẩm, dịch vụ giảm thiểu phát thải đang là hướng đi mới của các doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến biến rác thải thành sản phẩm tiêu dùng đã và đang được ứng dụng ở nhiều doanh nghiệp. Điển hình như Công ty hoá chất Lanzatech đang xử lý rác thải của ngành công nghiệp nặng bằng cách biến nó thành sản phẩm hữu ích.

Công ty này phát triển một quy trình sinh học lấy khí thải từ các nhà máy dưới tác động của các loại vi khuẩn để tạo ra ethanol, nhiên liệu, hoá chất. Hiện Lanzatech đang hợp tác với tập đoàn Shougang – một trong những tập đoàn sản xuất sắt thép lớn nhất Trung Quốc, để chuyển đổi khí thải từ nhà máy thành ethanol – nhiên liệu sử dụng cho động cơ đốt trong. Công ty sản xuất thức uống có cồn Diageo đang biến đổi quy trình chưng cất và sản xuất bia để tận dụng bã ngũ cốc (là rác thải của công ty) thành một dạng năng lượng tái tạo.

bai 1 nghin ti do la cua doanh nghiep boc hoi vi bien doi khi hau va nhung bai hoc xuong mau
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng BĐKH hiện tại đã đạt được một nửa sức mạnh có thể huỷ diệt nền văn minh nhân loại. Ảnh minh họa

Cuộc cách mạng năng lượng sạch

Điểm chung của các doanh nghiệp lớn trên thế giới là họ nhìn ra cơ hội từ các thách thức của BĐKH. Điển hình như Tập đoàn điện lực Tây Ban Nha Iberdrola. Iberdrola cam kết sẽ thực hiện chiến lược kinh doanh song hành với mục tiêu bảo vệ môi trường. Tập đoàn này đầu tư hơn 32 tỉ Euro từ năm 2018 đến năm 2022 để xây dựng mạng lưới năng lượng tái tạo.

Hiện doanh nghiệp này đang dẫn đầu thế giới về năng lượng gió, là một trong số các nhà đầu tư lớn vào công nghệ giảm thiểu phát thải. Trang trại gió ngoài khơi tại Vương quốc Anh của tập đoàn này đang tạo ra dòng điện xoay chiều lớn nhất từ trước tới nay. Tập đoàn điện lực của Đan Mạch Ørsted đã chuyển toàn bộ mô hình kinh doanh để trở thành một doanh nghiệp năng lượng sạch.

Theo đó, tập đoàn này đã chuyển nguyên liệu đầu vào từ than đá và dầu sang các nguồn sạch hơn như gió. Ørsted đóng góp cho hơn một nửa mức giảm thải khí CO2 của Đan Mạch từ năm 2006, giúp nước này đạt được cam kết Thoả thuận Paris về chống BĐKH. Disney, một trong những tập đoàn giải trí lớn nhất hành tinh, cũng cam kết đến năm 2020 sẽ giảm một nửa lượng xả thải. Để thực hiện được mục tiêu này, Disney đang chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch – năng lượng mặt trời bằng cách xây dựng hẳn một nhà máy năng lượng mặt trời rộng hơn 1 triệu m2 (250 mẫu Anh) tại Florida, Mỹ. Disney kỳ vọng rằng nhà máy này sẽ cung cấp đủ năng lượng cho 4 công viên giải trí lớn của họ ở Florida, từ đó giảm thải khí nhà kính 57.000 tấn mỗi năm.

Chuyển hướng đầu tư

Các sáng kiến kinh doanh với sản phẩm thân thiện môi trường thường sớm nở tối tàn bởi khó kêu gọi đầu tư. Rất nhiều dự án sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường nhưng chưa được thử nghiệm ở quy mô lớn, chết từ trong trứng nước vì các nhà đầu tư lo ngại rủi ro. Thế nhưng, hành động của Bank of America, hệ thống ngân hàng lớn hàng đầu nước Mỹ, đã xoay chuyển cục diện, khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các dự án thân thiện môi trường.

Tính đến tháng 3/2019, Bank of America đã đầu tư hơn 96 tỉ đô la vào các doanh nghiệp phát triển bền vững, và cam kết sẽ đầu tư thêm 125 tỉ đô la cho các doanh nghiệp tương tự. Ngân hàng này là đơn vị đặt tiền đề cho sự ra đời của trái phiếu xanh, loại trái phiếu được sử dụng cho các dự án liên quan đến khí hậu và môi trường tại Mỹ.

La Thị Hoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường