Băng tan tại Nam Cực khiến nước biển có nguy cơ dâng cao nửa mét

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, tại Nam Cực đang có một điểm băng tan bùng phát với tốc độ nhanh, không thể dừng lại ngay cả khi hiện tượng ấm lên toàn cầu được kiểm soát.

Điểm băng tan bùng phát nằm trên sông Thwaites, một phần của dải băng Tây Nam Cực. Nếu hiện tượng này không được kiểm soát, khối băng tan ra sẽ khiến mực nước biển dâng cao tới 50cm. Theo Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA), nhiều sông băng khác tại Nam Cực cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự.

bang tan tai nam cuc khie n mu c nuoc bien co nguy co dang them nu a me t

Ông Alex Robel – giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia của Hoa Kỳ cho biết, nếu khối băng này tiếp tục tan đến một thời điểm nhất định, sẽ không một công nghệ nào có thể dừng nó lại ngay cả khi nền nhiệt toàn cầu ngừng tăng. “Đối với các nhà khoa học, đây là mối quan ngại rất lớn”- ông Robel nói thêm.

Các số liệu khoa học hiện tại cho thấy, hiện tượng băng tan trên diện rộng sẽ xảy ra trong 200-600 năm tới, phụ thuộc vào địa chất dưới lớp băng. Tốc độ ấm lên toàn cầu hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Nếu dải băng Tây Nam Cực tan hoàn toàn, mực nước biển sẽ dâng khoảng 5 mét, đủ để nhấn chìm toàn bộ các thành phố ven biển trên khắp thế giới. Dữ liệu vệ tinh cho thấy, lượng băng tan tại Nam Cực trong 4 năm qua bằng lượng băng tan trong 34 năm tại Bắc Cực.

Lượng băng trôi trên biển ở Nam Cực cũng tăng rõ rệt trong hơn 40 năm qua, đạt mức kỷ lục vào năm 2014 trước khi tan nhanh vào nước biển. Không giống như băng tan trên đất liền, băng tan trên biển sẽ khiến đại dương hấp thụ mạnh nhiệt lượng từ mặt trời, đẩy nhanh hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường