Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong và bánh thường được làm vào các dịp Tết Nguyên đán và ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã phần nào bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn được gìn giữ. (Ảnh minh họa) |
Tương truyền, nguồn gốc bánh chưng có liên quan đến truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu, con trai thứ 18 của vua Hùng đời thứ 6 và còn được sử sách ghi lại qua “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”. Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Việt, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Đi cùng với bánh chưng bánh giầy, trong ngày Tết bày thêm mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.
Trong câu đối phổ biến về sản vật ngày Tết, người ta thấy sự có mặt của bánh chưng như một giá trị vật chất và tinh thần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn còn giữ nguyên đến ngày nay. Ngày xưa, cứ mỗi dịp Tết đến, lòng người lại rộn ràng, háo hức mong đến ngày để được quây quần gia đình, cùng nhau gói những chiếc bánh chưng để dâng lên cúng tổ tiên, trời đất. Gói bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, một hình tượng ý nghĩa và trở thành kí ức đẹp đẽ của biết bao người con đất Việt.
Một cái Tết sẽ không thể trọn vẹn nấu thiếu màu xanh của bánh chưng, bánh tét. (Ảnh minh họa) |
Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, không còn nhiều gia đình tự gói bánh chưng ở nhà, hình ảnh ngồi canh nồi bánh chưng cũng chỉ còn đâu đó ở những vùng quê, nhưng khi Tết đến xuân về, không thể thiếu cặp bánh chưng xanh trên ban thờ gia tiên nghi ngút khói hương của mỗi gia đình. Nếu như trước kia, bánh chưng chỉ được gói vào mỗi dịp lễ Tết hay ngày Giỗ Tổ, thì ngày nay, bánh chưng lại được dùng phổ biến trong những dịp cưới xin, giỗ chạp, lễ hội,..và còn được bán hàng ngày.
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Việt. (Ảnh minh họa) |
Đối với mỗi người con đất Việt, hình ảnh bánh chưng xanh cùng mâm cỗ tất niên đêm Giao Thừa gợi nhắc họ luôn nhớ về gia đình, về quê cha đất tổ. Tết của người Việt chỉ trọn vẹn khi có cặp bánh chưng xanh trên ban thờ gia tiên. Những chiếc bánh chưng xanh mướt, dẻo và thơm mùi nếp mới tạo nên phong vị Tết thật độc đáo và ý nghĩa mà không nơi đâu có được.