Báo động tình trạng suy giảm nguồn lợi thuỷ sản

Vùng biển nước ta được đánh giá là đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi thủy sản, với hàng trăm loài cá và động vật thân mềm, trong đó có những loại thủy sản đặc hữu nổi tiếng và có số lượng lớn.
Bảo tồn đa dạng sinh học rừng Kon Plông gắn với phát triển sinh kế bền vữngNguồn lợi thủy sản suy giảm do ô nhiễm môi trường biểnBáo động nguy cơ mất cân bằng đa dạng sinh học

Nhiều năm qua, các địa phương ven biển đã có những hoạt động thiết thực nhằm làm sạch môi trường biển; bảo vệ, giải cứu các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Nhờ vậy, đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển; bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá có giá trị kinh tế, loài bản địa; tổ chức điều tra, xác định và ban hành danh mục gần 50 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống…

Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngày 26/12 của Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết hiện nay, nguồn lợi hải sản đang ngày càng có dấu hiệu suy kiệt.

tm-img-alt
Nguồn lợi hải sản đang ngày càng có dấu hiệu suy kiệt. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo đó, việc khai thác, đánh bắt tận thu, sử dụng các phương pháp khai thác tận diệt (chất nổ, xung điện), nhất là đối với hai sản nhỏ một cách bừa bãi là đáng báo động khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt.

Ngoài ra, sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, tảo biển bị chết, rừng ngập mặn,...) cũng tiếp tay khiến nguồn lợi thuỷ sản suy kiệt, làm giảm khả năng tái tạo. Như cá nục, kích cỡ đánh bắt trưởng thành phải cỡ cổ tay, nhưng hiện nay mới chỉ lớn cỡ ngón tay đã bị đánh bắt tận thu.

Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỉ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng tới 70%; một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm như bào ngư, mực, cá trích,...

Cũng theo ông Trung, hiện nay quy định kiểm tra, xử lí đối với các hành vi vi phạm trong khai thác, nhất là khai thác ven bờ đã có khá đầy đủ, tuy nhiên, lực lượng nào đứng ra triển khai kiểm tra xử lí lại đang là vấn đề, khi mà lực lượng kiểm ngư mỏng, các khi lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thủy sản ngày càng “teo tóp” về lực lượng, đồng thời những năm gần đây đã bị sáp nhập về nhiều đơn vị khác…

Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cũng cho rằng, với chủ trương phát triển bền vững nghề cá, nên chăng cần có chiến lược duy trì ở mức ổn định đối với sản lượng khai thác hàng năm. Bởi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm do cường độ khai thác tăng mạnh. Hệ môi trường sinh thái ngày càng suy giảm, ảnh hưởng xấu tới việc tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Bên cạnh đó, việc tăng các khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác, nghiêm cấm khai thác thủy sản nhỏ, chưa đạt yêu cầu khai thác, cấm khai thác mùa vụ sinh sản, vùng sinh sản… đang là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng: Hiện nay, việc ngành thủy sản chưa có quy định cụ thể về kích thước được phép khai thác của từng loài hải sản, quy định cụ thể về mắt lưới đánh bắt cho từng loài cũng khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu chế tài trong việc kiểm tra, xử lí đối với các hành vi đánh bắt hải sản nhỏ, chưa đạt kích thước khai thác…

tm-img-alt
Nhiều rạn san hô tuyệt đẹp bị đe dọa nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

“Hành vi đánh bắt bằng xung điện, chất nổ đã được quy định tội hình sự, tuy nhiên những năm qua vẫn chưa được quyết liệt kiểm tra, phát hiện, xử lí mạnh tay. Vì vậy ngay trong năm 2021, cần phải quyết liệt tăng cường khâu thực thi pháp luật, kiểm tra kiểm soát hoạt động khai thác, nhất là thực thi pháp luật ven bờ”, ông Hùng kiến nghị.

Từng chia sẻ với báo CAND, TS Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản được bền vững, cần có sự chung sức của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như cộng đồng dân cư sinh sống ven biển.

Trong những năm qua, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn biển đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Kết quả của một số đề tài nghiên cứu đã hỗ trợ khá hiệu quả cho công tác quản lý.

Một số khu bảo tồn biển đã triển khai khá tốt và thường xuyên như: Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn quốc gia Núi Chúa. Hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển được triển khai khá tốt trong giai đoạn 2005-2015. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động này đang có dấu hiệu chậm lại. Một số mô hình đã dừng hoạt động do thiếu kinh phí để duy trì, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển mới thành lập.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng được các Khu bảo tồn biển quan tâm, đã có nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, học sinh sống trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển thông qua các phương tiện truyền thông rất sáng tạo.

Điển hình như các chương trình: “Bảo tồn rùa biển” tại Côn Đảo; “Chiến dịch nói không với túi nilon” tại Cù Lao Chàm, Lý Sơn; “Lặn thân thiện” ở các danh thắng Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Vịnh Hạ Long, Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà; “Thăm quan Công viên đá” ở Vườn quốc gia Núi Chúa; “Ủng hộ Nhà Thạch tạ” ở Khu Bảo tồn biển Hòn Cau… Một số khu bảo tồn biển đã phối hợp với các trường đại học trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo sinh viên trong công tác quản lý bảo tồn như Cù Lao Chàm.

Hà My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết