Cụ thể, ở trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 7 (15m/s), giật cấp 9 (21m/s); ở trạm Cô Tô có gió giật mạnh cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to 50-100mm/12 giờ.
Hồi 13h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Bản đồ dự báo thời tiết ngày 3/7/2019 - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. |
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 4/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Ở khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ tối nay (3/7) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; trong đêm nay đến sáng mai (4/7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Dự báo mưa: Trong ngày và đêm nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ). Từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Từ nay cho đến chiều mai (4/7), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm nay đến sáng 5/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội: Từ chiều nay (3/7) có mưa, đêm nay và ngày mai (4/7) có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cần chủ động phòng chống bão số 2
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 3/7 đã kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 56.557 tàu cá về cơn bão. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, dự kiến chậm nhất tới 19h ngày 3/7 sẽ hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền, di dời người dân khu vực nuôi lồng bè vào nơi an toàn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý không được chủ quan cho rằng bão nhẹ, gió yếu và phải khẩn trương di chuyển 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài ở đảo Cô Tô vào bờ.
Các địa phương cần đặc biệt lưu ý việc kêu gọi, kiểm tra tàu khách vãng lai vì 3 năm qua, thiệt hại chủ yếu là tàu vãng lai do nắm được thông tin luồng lạch. Các địa phương cần đặc biệt chú ý tới các hoạt động kinh tế trên bờ đối với 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, các hồ thủy lợi đang sửa chữa hay xuống cấp và các thủy điện nhỏ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương có phương án chuẩn bị cho hoàn lưu sau bão vì dự báo mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất rất cao, nhất là khu vực miền núi phía Bắc.