Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, hai người chết cùng nhiều người mất tích do mưa lũ

Đã có 2 người chết tại Thanh Hóa và Bắc Kạn, 13 người mất tích do mưa lũ, hệ quả của cơn bão số 3 cùng nhiều thiệt hại về tài sản.
Bộ GD&ĐT ra công điện về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách ứng phó thiên taiBão số 3 suy yếu: Đêm nay và ngày mai (4/8) miền Bắc tiếp tục mưa lớn

Sáng nay (4/8), theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo TW về PCTT), tính đến hết ngày 3/8, đã có 2 người chết cùng 13 người mất tích do mưa lũ sau bão số 3.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo TW về PCTT cho biết, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 2 người chết ở Thanh Hóa và Bắc Kạn, 13 người ở tỉnh Thanh Hóa (1 người huyện Mường Lát, 12 người huyện Quan Sơn) bị mất tích.

bao so 3 gay thiet hai nang ne hai nguoi chet cung nhieu nguoi mat tich do mua lu
Lũ quét ở xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hoá) làm 10 người mất tích.

Về nhà ở, tỉnh Thanh Hóa có 32 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 50 nhà bị thiệt hại rất nặng; 176 nhà bị thiệt hại một phần; 5 điểm trường tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng; hàng trăm điểm giao thông ở Thanh Hóa, Sơn La bị ách tắc; hàng ngàn ha cây trồng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa bị ngập úng.

Về tình hình mưa, Ban Chỉ đạo TW về PCTT cho biết hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa rất to ở khu vực bắc Bộ. Cụ thể, từ 19 giờ ngày 2/8 đến 19 giờ ngày 3/8, khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm; một số trạm có lượng mưa rất to, như: Tà Gia (Lai Châu): 153 mm, Mộc Châu (Sơn La): 226 mm, Mai Châu (Hòa Bình): 180 mm, Chi Nê (Hòa Bình): 234 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): 242 mm, Móng Cái (Quảng Ninh): 183 mm, Sơn Động (Bắc Giang): 151 mm, Sơn Tây (Hà Nội): 168 mm, Hưng Yên (Hưng Yên): 199 mm, Hà Nam (Hà Nam): 216 mm, Nho Quan (Ninh Bình): 157 mm, Mường Lát (Thanh Hóa): 328 mm, Quan Sơn (Thanh Hóa): 332 mm.

Dự báo, ngày hôm nay 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có với tổng lượng mưa phổ biến 25-50 mm/24 giờ, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm. Từ ngày 5 đến 6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm.

bao so 3 gay thiet hai nang ne hai nguoi chet cung nhieu nguoi mat tich do mua lu
Cảnh mưa lũ nhấn chìm nhà cửa ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Về tình hình lũ trên các sông Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo TW về PCTT cho biết, lũ các sông ở Thanh Hóa đang lên. Mực nước lúc 4h00 ngày 4/8 trên sông Mã tại Cẩm Thủy là 19,87m, trên BĐ2 0,87m; tại Lý Nhân 9,40m, dưới BĐ1 0,1m; tại Giàng 2,30m, dưới BĐ1 1,7m.

Dự báo, lũ trên sông Bưởi, sông Mã tiếp tục lên. Đến chiều tối 4/8, mực nước trên sông Mã tại Lý Nhân lên mức 11,5m, trên BĐ2 0,5m (với dự kiến thủy điện Trung Sơn xả với lưu lượng 3.700m3/s); tại Giàng lên mức 5,0m, trên BĐ1 0,5m. Trên sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 10,5m, trên BĐ1 0,5m.

Trước đó, ngày 3/8, Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức họp tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lớn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức đoàn công tác vào Quan Sơn, Thanh Hóa chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất.

Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai 807 cán bộ, chiến sỹ/27 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại tỉnh Thanh Hoá.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân và các cơ quan liên quan biết chủ động phòng, tránh, ứng phó.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ sau bão và triển khai các biện pháp ứng phó.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm; kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Hiện huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn 17 bản bị chia cắt trong đó có 7 bản bị cô lập hoàn toàn, 72 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo TW về PCTT đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 3-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích.

Tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.

Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.

Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường