Bảo tồn giống lúa trời ở Vườn quốc gia Tràm Chim

Về Tràm Chim mùa nước nổi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình mà còn được tham quan, trải nghiệm thu hoạch lúa trời - loại thực vật đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam.
Đồng Tháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học 3 vùng đất ngập nướcKhám phá Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học caoGiải pháp hiệu quả bảo tồn các khu đất ngập nước ở Việt Nam
Vườn quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao. (Ảnh minh họa)

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160 km. Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 – 12 dương lịch) là mùa du lịch vườn quốc gia Tràm Chim. Khung cảnh ngập nước, xanh tốt, điểm xuyến sắc hồng của hoa sen, hoa súng bừng nở...

Vườn Quốc gia Tràm Chim có thảm thực vật rất phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: quần xã sen, lúa ma, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm.

Thiên nhiên đã ban phát cho vùng Đồng Tháp Mười có nhiều sản vật và nguồn lợi tôm, cá khá dồi dào, đặc biệt là sản vật lúa trời. Đây là loại nông sản quý hiếm cao cấp, được Nguyễn Ánh (triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1945) đưa vào cung đình dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm đặc sản tiếp đãi “thượng khách”.

Đến đây, du khách được tham gia thu hoạch lúa trời - một loài lúa rất đặc biệt vì vào mùa nước nổi, các loài thực vật thân cỏ khác sẽ bị nước nhấn chìm, chỉ riêng lúa trời là sinh sôi phát triển, nước dâng đến đâu, lúa vươn lên tới đó.

Người dân thu hoạch lúa trời tại VQG Tràm Chim. (Ảnh minh họa)

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: Lúa trời còn gọi là “Quỷ cốc”; còn những cụ sống lâu năm ở vùng Đồng Tháp Mười cho biết lúa trời còn gọi là lúa ma! Bởi lẽ, loại lúa này không ai gieo sạ mà nó tự nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước của vùng Đồng Tháp Mười xưa và sống khỏe trong môi trường khắc nghiệt như: Khô hạn, lũ lụt, phèn mặn và chống chọi được với sâu bệnh...

Quần xã lúa trời hay còn gọi là "lúa ma" (có tên khoa học là Oryza rufipogon) hiện được lưu giữ và bảo tồn tại Vườn Tràm Chim với diện tích hơn 800 ha. Vào khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm, lúc trời bắt đầu sa mưa, hạt lúa bắt đầu nảy mầm và mọc cao lên, thân lúa cứng, lá to bản; rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng, nước trong đất để tăng trưởng…

Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, lúa trời trổ đòng, đơm bông,… Bông lúa ma to, dài và thẳng hơn lúa thường, hạt lúa trên bông rất thưa, nhỏ…

Gặt lúa ma - một trải nghiệm thú vị tại nơi đây.​ (Ảnh minh họa)

Đối với phần lớn các loài chim trong Vườn quốc gia Tràm Chim, đồng lúa ma vừa là nơi trú ngụ cho các loài cá, vừa là nơi cho các loài chim trú ẩn sinh sống. Hạt lúa ma cung cấp thức ăn cho các loài cá và các loài chim nơi đây.

Giống như cỏ bàng, cây tràm hay lau sậy, cây lúa ma lúa trời rất thích hợp với vùng sình lầy, trũng thấp của Đồng Tháp Mười. Bởi vậy mới có câu ca dao nổi tiếng:

“Ai ơi, về miệt Tháp Mười.

Cá tôm sẵn bắt - lúa trời sẵn ăn”

Lúa ma từng là một nguồn lợi tự nhiên quan trọng giúp người dân vùng Đồng Tháp Mười vượt qua cơn thiếu ăn giữa những ngày giáp hạt để chờ mùa chính vụ. Trong những năm tháng kháng chiến, nó còn là nguồn lương thực dự trữ đáng kể giúp bộ đội Việt Nam chống đói. Ngày nay, lúa ma tại Vườn quốc gia Tràm Chim được bảo tồn là sản vật quan trọng, đặc trưng riêng có nhằm thu hút khách du lịch của vùng Đồng Tháp Mười.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường