Bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể xem là một cột mốc quan trọng trong tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Không chỉ là sự cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bài viết còn đi xa hơn cả nghị quyết này khi kết nối ba chiều tư duy chiến lược: vận dụng tinh thần chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho lý luận về phát triển kinh tế tư nhân; lý giải sâu sắc vì sao phát triển tư nhân là con đường phù hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH); và đưa ra hệ thống giải pháp cải cách thể chế đầy đột phá dựa trên thực tiễn thành công của Trung Quốc, Nga và chính Việt Nam.
Từ nền tảng tư tưởng ấy, Tổng Bí thư khơi mở một định hướng hành động sâu sắc: muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải có tư duy mới, và chính tư duy ấy sẽ là động lực mới cho quốc gia vươn mình giàu mạnh và thịnh vượng.
Tính chính danh lý luận cho kinh tế tư nhân
Một đóng góp rất giá trị của bài viết là việc khẳng định tính chính danh lý luận cho kinh tế tư nhân trong bối cảnh xây dựng CNXH. Tổng Bí thư dẫn lại tư tưởng của Lê-nin trong Chính sách Kinh tế mới (NEP), khi lãnh tụ cách mạng Nga chủ động khôi phục các yếu tố thị trường và kinh tế tư nhân để khôi phục nền kinh tế hậu chiến. Lê-nin từng nói rõ: "Chúng ta không phủ nhận chủ nghĩa tư bản nhà nước… mà sử dụng nó như một phương tiện để chuyển sang chủ nghĩa xã hội".
Tổng Bí thư vận dụng tinh thần ấy một cách nhuần nhuyễn và hiện đại: sở hữu tư nhân, nếu được dẫn dắt đúng thể chế và kiểm soát quyền lực hiệu quả, sẽ không cản trở tiến trình CNXH mà ngược lại – có thể tăng tốc tiến trình đó thông qua tăng trưởng, đổi mới và nâng cao đời sống nhân dân.
Đây là một bước tiến rất quan trọng trong tư duy lý luận. Cùng với Nghị quyết 68, nó giúp hóa giải định kiến kéo dài nhiều thập kỷ về sự đối lập giữa CNXH và kinh tế tư nhân, đồng thời tạo nên nền tảng vững chắc cho chính sách phát triển hiện nay.
Phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu CNXH
Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ làm rõ về mặt lý luận, mà còn chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển kinh tế tư nhân và hiện thực hóa các giá trị cốt lõi của CNXH.
Một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" không thể được tạo lập nếu thiếu động lực tăng trưởng, thiếu việc làm, thiếu nguồn lực cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp trên 51% GDP, hơn 82% việc làm và ngày càng vươn ra quốc tế. Tư nhân – nếu được khơi thông và bảo vệ – chính là nguồn lực thực tiễn lớn nhất để kiến tạo một xã hội hài hòa và công bằng theo đúng tinh thần CNXH Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên, Tổng Bí thư khẳng định: "Đảng và Nhà nước không đứng ngoài kinh tế, mà phải chủ động thiết kế không gian phát triển, kiến tạo hệ sinh thái công bằng, bảo vệ các giá trị nền tảng của thị trường".

Soi chiếu thực tiễn
Tính thuyết phục của bài viết càng được củng cố khi Tổng Bí thư đặt tư duy của mình vào so sánh với các thực tiễn điển hình.
Trung Quốc, với mô hình "chủ nghĩa xã hội đặc sắc", là minh chứng thuyết phục nhất. Kinh tế tư nhân nước này đóng góp hơn 60% GDP, 70% đổi mới sáng tạo, 80% việc làm ở đô thị, và 90% doanh nghiệp mới thành lập. Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong hơn bốn thập kỷ qua không thể tách rời khỏi việc mạnh dạn cải cách thể chế và khơi thông khu vực tư nhân.
Liên bang Nga, sau khi từ bỏ mô hình kế hoạch hóa cứng nhắc, cũng phải tái khẳng định vai trò của sở hữu tư nhân như một điều kiện phục hồi kinh tế và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư nhắc lại thực tiễn này như một minh chứng lịch sử cho tính tất yếu của cải cách.
Việt Nam, với hành trình 40 năm Đổi mới, cũng đã chứng minh rằng: chính từ khi tư duy về thị trường và sở hữu được cởi trói, nền kinh tế mới có sức sống. Sự trưởng thành của khu vực tư nhân trong nước là một trong những thành tựu quan trọng nhất của quá trình đổi mới.
Nhiều giải pháp đột phá được bổ sung
Không chỉ khẳng định tư duy mới, bài viết còn đề xuất nhiều giải pháp hành động mạnh mẽ và cụ thể hơn, thậm chí có phần vượt trội hơn những nội dung trong Nghị quyết 68-NQ/TW.
Trước hết là đề xuất xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân – một đạo luật chuyên biệt, thể chế hóa vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của khu vực này. Tiếp theo là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban – thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất và cam kết hành động rõ ràng.
Tổng Bí thư cũng đặt mục tiêu hình thành đội ngũ doanh nhân dân tộc có khát vọng, có văn hóa và có trách nhiệm phụng sự đất nước. Ông không chỉ nói đến tăng trưởng, mà đề cập đến phẩm chất công dân của giới doanh nhân trong một nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó là hệ thống giải pháp cải cách thể chế sâu rộng: từ việc đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền tài sản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đến phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, khắc phục sự méo mó của thị trường và lợi ích nhóm.
Bước đột phá trong tư duy phát triển
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là một văn kiện có ý nghĩa lý luận – thực tiễn đặc biệt. Nó không chỉ củng cố tính chính danh cho kinh tế tư nhân trong tư tưởng Mác – Lê-nin, mà còn đưa ra những định hướng cải cách có sức lay động nền tảng. Quan trọng hơn, đó là tư duy hành động kiến tạo, nơi thể chế, thị trường và nhân dân cùng hội tụ để tạo nên một động lực phát triển mới.
"Động lực mới từ tư duy mới" – chính là thông điệp lớn của bài viết. Nếu được thể chế hóa nghiêm túc và thực thi quyết liệt, nó sẽ trở thành một sức bật mạnh mẽ, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển hiện đại, bền vững và nhân văn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng