Những tuyến quốc lộ, cao tốc luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, là "huyết mạch" kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh phía Bắc theo đề án sáp nhập.

Các tuyến quốc lộ kết nối, thúc đẩy phát triển vùng
Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ cũng đã thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 5/5/2025 của Chính phủ. Các Nghị quyết trên có hiệu lực từ ngày 9/5/2025.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi sáp nhập các tỉnh, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc sẽ đóng vai trò kết nối trung tâm chính trị của nhiều địa phương.
Trong đó, quốc lộ 2 là tuyến đường huyết mạch kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế của 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang, tuyến đường dài 321 km với điểm đầu tại Sóc Sơn, Hà Nội, điểm cuối tại cửa khẩu Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang. Theo quyết định Phê duyệt kế hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, QL.2 có quy mô quy hoạch cấp III với 2-6 làn xe. Thời gian tới, khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi vào thông xe sẽ là tuyến đường kết nối 2 tỉnh nhanh nhất.
Khi Lào Cai sáp nhập với Yên Bái, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường nhanh nhất kết nối 2 tỉnh, đoạn tuyến này dài 141km với điểm đầu tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, điểm cuối tại cầu Kim Thành, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, quy mô theo quy hoạch là 6 làn. Ngoài ra, quốc lộ 70 từ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đi tỉnh Lào Cai cũng là một sự lựa chọn cho nhiều tài xế. Tuyến đường này có điểm đầu giao với QL.2 địa phận Phú Thọ, điểm cuối tại ngã ba Bản Phiệt, Lào Cai, chiều dài dự kiến theo quy hoạch là 200km, quy mô cấp III-IV, với 2-4 làn xe.
Hiện nay, để đi từ TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình về TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có thể đi theo hướng TP. Hòa Bình đi đường Hoà Lạc - Hoà Bình, ra quốc lộ 21 đi thị xã Sơn Tây (Hà Nội) - qua cầu Vĩnh Thịnh - đi theo quốc lộ 2C về TP. Việt Trì với chiều dài quãng đường khoảng 80km. Ngoài ra, từ TP Hoà Bình đi TP Việt Trì có thể đi theo tuyến tỉnh lộ 317 hoặc quốc lộ 70B đi các huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) rồi đi Việt Trì. Đối với QL.70B có điểm đầu tại Đoan Hùng, Phú Thọ, điểm cuối tại TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, theo quy hoạch dài 144km, quy mô cấp III - IV, với 2-4 làn xe.
Khi đi từ Vĩnh Phúc người dân có thể đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại các nút vào, ra đi quốc lộ 2 qua cầu Việt Trì (cũ) hoặc cầu Hạc Trì (mới) về trung tâm tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh đó, quốc lộ 3 (kết nối Bắc Kạn - Thái Nguyên), quốc lộ 1 (kết nối Bắc Ninh - Bắc Giang), quốc lộ 5 cũ, quốc lộ 5 mới (kết nối Hải Dương - Hải Phòng) cũng là những tuyến đường giữ vai trò quan trọng, nối trung tâm hành chính 2 tỉnh. Theo quy hoạch, quốc lộ 3 có 302km, điểm đầu tại Gia Lâm, Hà Nội, điểm cuối tại cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng với quy mô cấp III-IV, từ 2-4 làn xe.
Nếu từ trung tâm tỉnh Hưng Yên đi về trung tâm tỉnh Thái Bình, các tài xế có thể đi theo các tuyến kết nối các tỉnh lộ, quốc lộ 39 (kết nối Tiên Lữ, Hưng Yên và huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đây là tuyến có điểm đầu giao cắt với QL.5 tại Phố Nối, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và điểm cuối tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Quốc lộ 39 cũng đi cắt qua TP. Hưng Yên và TP. Thái Bình. Theo quy hoạch, tuyến này có chiều dài 124km, quy mô cấp II, từu 2-4 làn xe.
Ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình có các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 21A, 21B, quốc lộ 1 chạy qua. Nếu xuất phát từ nút giao Liêm Tuyền, các tài xế có thể rẽ theo quốc lộ 21B đi Nam Định, vào Quốc lộ 10 sang Ninh Bình, hoặc ven theo các lối vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình để di chuyển.
Đối với QL.21B, dự kiến có quy mô cấp III, từ 2-4 làn xe, điểm đầu tại Hà Đông, Hà Nội, giao với QL.6, điểm cuối tại nút giao QL.1, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, chiều dài dự kiến 179km. QL.10 cũng có quy mô cấp III, từ 2-4 làn xe.

Công tác phân cấp quốc lộ về UBND tỉnh quản lý được thực hiện thế nào?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Bùi Hữu Vinh - quyền Trưởng phòng Quản lý bảo trì, Khu Quản lý Đường bộ I (Cục đường bộ Việt Nam - Bộ Xây dựng) cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh với chủ trương phân cấp quản lý quốc lộ để Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý (trừ đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quản lý; Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh để kết nối các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ khác theo chiều dọc đất nước; Quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ Nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Theo ông Vinh, để thực hiện công tác phân cấp quản lý quốc lộ cho địa phương theo quy định tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ Bộ GTVT đã có Văn bản số 589/BGTVT-KCHT ngày 16/1/2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Cục ĐBVN để triển khai thực hiện công tác phân cấp; Cục ĐBVN đã có các Văn bản số 358/CĐBVN-QLBTĐB ngày 17/1/2025, Văn bản số 695/CĐBVN-TC ngày 7/2/2025 triển khai thực hiện phân cấp, bàn giao quản lý quốc lộ và các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan về địa phương quản lý.
Khu Quản lý đường bộ I được Cục ĐBVN giao phối hợp với các Sở Xây dựng của 24 tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thá Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) để thực hiện công tác rà soát, thống kê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ phân cấp, bàn giao quản lý quốc lộ, đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ cho UBND cấp tỉnh và các thủ tục để tham mưu cho Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) lập hồ sơ điều chuyển tài sản từ Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) về cho UBND cấp tỉnh quản lý bao gồm các tuyến Quốc lộ do Khu trực tiếp quản lý và các quốc lộ được Cục ĐBVN ủy quyền quản lý cho các Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng).
"Đến nay, Khu Quản lý Đường bộ I đã lập, hoàn thiện hồ sơ điều chuyển tài sản các tuyến quốc lộ (bao gồm các quốc lộ Khu trực tiếp quản lý và các quốc lộ ủy quyền) trên địa bàn 24 tỉnh", ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của 14 tỉnh, thành phố là Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái.
Hiện tại, Khu Quản lý Đường bộ I đã hoàn thiện công tác bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông xong 3 địa phương là Bắc Giang, Lai Châu và Yên Bái.
Đức Mạnh