Bất chấp “pha loãng” cổ phiếu ồ ạt, VIB vẫn muốn tăng vốn lên 10.900 tỷ

Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã: VIB) sẽ trình ĐHCĐ thường niên tới đây kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.900 tỷ đồng, trong đó, sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 18% bên cạnh chia một phần bằng tiền mặt.

bat chap pha loang co phieu o at vib van muon tang von len 10900 ty

Ngân hàng VIB duy trì chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu cao để tăng vốn gấp đôi trong vòng 3 năm qua

Chia cổ tức, thưởng…nghìn tỷ

VIB dự kiến sẽ tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên 2019 vào ngày 28/03/2019 tại TP HCM.

Theo tài liệu vừa công bố, năm 2018 VIB ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận trước thuế đạt 2.743 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017, hoàn thành 137% kế hoạch đặt ra. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản đạt gần 140 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 17%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 2,2%. Tính đến tháng 7/2018, VIB trở thành 1 trong 5 ngân hàng đầu tiên mua lại 100% dư nợ từ VAMC.

Do đó, Hội đồng quản trị dự kiến trình ĐHCĐ thường niên phương án tăng vốn điều lệ lên mức tối đa 10.900 tỷ đồng, bao gồm chia cổ tức, thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp VIB thực hiện chia cổ tức “hậu hĩnh” cho cổ đông, trong đó, chi trả 5,5% cổ tức bằng tiền mặt và 18% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.

Được biết, VIB hiện có 783.467.284 cổ phiếu phổ thông lưu hành, trong đó có 31,93 triệu cổ phiếu quỹ. Như vậy, VIB có thể dùng tới 24% nguồn cổ phiếu quỹ để chia thưởng cho nhân viên.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu VIB thời gian qua đã diễn biến kém khả quan sau khi bất ngờ có “sóng” tăng mạnh lên đỉnh hơn 30.550 đồng/CP hồi giữa năm 2018, sau đó đã “lao dốc” không phanh. Nguyên nhân được cho là vì thị trường chứng khoán chung suy giảm, giới đầu tư kém mặn về biến động giá cổ phiếu VIB… Nhất là trong bối cảnh VIB chạy đua phát hành “in giấy” để tăng vốn nhanh chóng khiến cho cổ phiếu này bị “pha loãng” quá nhanh. Chỉ trong vòng 3 năm duy trì chính sách cổ tức và cổ phiếu thưởng tổng cộng trên 23-25%, VIB đã nâng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 7.835 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của VIB vẫn tăng trưởng khả quan, đạt lợi nhuận nghìn tỷ song việc phát hành tăng vốn ồ ạt, tỷ lệ tăng hơn 100% lại khiến cho giới đầu tư lo ngại về động lực tăng giá của cổ phiếu này.

Trong vài tháng trở lại đây, giá cổ phiếu VIB đã hồi phục tăng nhẹ và đến phiên hôm nay (11/3) đang giao dịch ở mức 18.900 đồng/CP, tăng 9,2% so với cuối tháng 1, song vẫn giảm 37% so với một năm trước. Khối lượng giao dịch hơn 180.000 đơn vị…

bat chap pha loang co phieu o at vib van muon tang von len 10900 ty

Diễn biến giá cổ phiếu VIB trong 1 năm qua. Nguồn. VNdirect

Xét về thị giá, việc VIB chia cổ tức 18% bằng cổ phiếu kèm một phần tiền mặt khi mà thị giá cổ phiếu trên sàn cao hơn 89% mệnh giá sẽ có lợi cho cổ đông. Hơn nữa, nhà băng quyết định chia cổ phiếu sẽ giúp cổ đông “né” được khoản thuế thu nhập khủng so với việc nhận bằng tiền mặt. Song ở mặt diễn biến giá cổ phiếu, VIB sẽ tiếp tục bị “pha loãng” thêm khiến giá giảm cùng với khối lượng cổ phiếu lưu hành trên sàn tăng đáng kể, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Ước tính, khoảng hơn 1.441 tỷ đồng giá trị chia cổ phiếu thưởng sẽ được tiếp tục “giữ” lại ngân hàng để phục vụ kinh doanh.

Năm 2019 mục tiêu lãi trước thuế 3.400 tỷ đồng

Theo tờ trình ĐHCĐ, năm 2019 Ngân hàng VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 182.908 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 136.509 tỷ đồng, huy động vốn riêng từ thị trường 1 đạt 127.198 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.

Một vấn đề được quan tâm là VIB đề xuất ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời gian thích hợp để niêm yết cổ phiếu VIB trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM nhằm tối ưu quyền lợi cho cổ đông/nhà đầu tư và ngân hàng.

Bên cạnh đó, VIB cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ VIII (2019-2023) với 7 thành viên HĐQT, trong đó có 2 thành viên người nước ngoài, và 3 thành viên BKS chuyên trách.

Kim Anh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết