Một cậu bé tại Kenya uống nước từ vũng nước bẩn. Ảnh: Dharshie Wissah |
Hình ảnh một cậu bé tại thị trấn Kakamega, Kenya, phải quỳ xuống uống vũng nước bẩn vì không còn nguồn nước uống nào khác trong khu vực, thực sự đã làm rúng động dư luận thế giới. Bức hình ám ảnh này của tác giả Dharshie Wissah đã đoạt giải Ciwem - ảnh môi trường của năm 2019. Thông điệp nhân văn của bức ảnh là nguồn nước trên trái đất đang ngày càng bị cạn kiệt, nhiều nơi trở nên khô cạn, đất đai cằn cỗi… do núi rừng, sông biển bị tàn phá huỷ hoại không thương tiếc. Không còn lựa chọn nào khác về nguồn nước sinh hoạt, cậu bé Kenya cùng hàng nghìn, hàng triệu người ở đâu đó trên hành tinh đang khô cằn này - cũng phải chấp nhận dùng nước bẩn. Thật xót xa!!!
Ai cũng hiểu rằng, việc uống nước bẩn, nước nhiễm chất độc hại, dễ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người, phát sinh bệnh tật như tiêu chảy, dịch tả, sốt thương hàn, kiết lỵ… cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm nhiệt đới khác. Về lâu dài, sử dụng nguồn nước bẩn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người.
Chẳng phải ở Kenya xa xôi, mà mới đây, ngay tại Việt Nam, hàng chục vạn dân ở khu vực phía Tây Hà Nội cũng uất nghẹn vì được bán cho thứ nước bẩn bị nhiễm dầu thải từ Nhà máy nước Sông Ðà của Viwasupco. Nước sinh hoạt cấp vào chung cư, nhà dân, doanh nghiệp… bị phát hiện có mùi khét nồng nặc, nổi váng dầu, không thể sử dụng được.
Hoảng sợ, tức giận, bế tắc, tuyệt vọng… là tâm trạng của rất nhiều hộ dân, từ người già đến trẻ nhỏ, từ giàu đến nghèo đã phải chịu đựng trong suốt 1 tháng kể từ sự cố nước bẩn này.
Họ - Lãnh đạo Viwasupco đã thu những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân, để bán thứ nước bẩn nhiễm dầu thải, thậm chí biết nước nhiễm chất độc hại vẫn “nhắm mắt” làm ngơ, không dừng cấp nước ngay lập tức. Phải chăng họ không thể ngừng thu lợi nhuận một phút nào?
Ngày 9/10/2019, một ngày sau khi cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, hình ảnh về việc Viwasupco thuê người dân đi vớt dầu thải từ đầu nguồn cấp nước vào nhà máy Sông Ðà, doanh nghiệp này vẫn tuyệt đối im lặng! Ngay lập tức báo chí đã tìm hiểu thông tin, lần ra đầu mối nguyên nhân nước bẩn là dầu thải bị đổ trộm vào nguồn nước.
Ðến khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ, còn ông Nguyễn Văn Tốn, tự nhận chỉ là Giám đốc “làm thuê” của Viwasupco mới lên tiếng cung cấp thông tin ban đầu, nhưng vẫn “ỉm” việc nước bị nhiễm dầu thải có chứa chất độc styren. Ông này khẳng định “bản thân 80% muốn ngừng cấp nước khi phát hiện sự việc”.
Chuỗi ngày sau đó là những cảnh tượng đáng buồn khi người dân phải xếp hàng chờ được cấp nước sạch như thời bao cấp, tận dụng mọi xô chậu, chai lọ, cả bồn tắm sơ sinh… để hứng từng giọt nước “cứu trợ” của thành phố. Người ta lại vô tư chở nước bằng xe téc chuyên chở nước tưới cây, đầy mùi hôi tanh đến cho dân sử dụng.
Suốt chục ngày, cả khu vực Tây Hà Nội “ngóng” nước sạch như sa mạc khô cằn chờ mưa, thì Viwasupco – sau khi về tay GEX – REE được vận hành như một cỗ máy kiếm siêu lợi nhuận, vẫn vô tư báo lãi đậm.
Viwasupco đã “nhắm mắt” bán thứ nước bẩn nhiễm dầu thải cho người dân Hà Nội là bất chấp quy định pháp luật. |
Theo báo cáo tài chính, mảng cung cấp nước mang về cho Viwasupco tới 469 tỉ đồng doanh thu trong năm 2018, cùng biên lãi gộp lên tới 57,1%, lợi nhuận ròng cao kỷ lục 219 tỉ đồng. Chỉ 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Viwasupco đạt 263,7 tỉ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Viwasupco đang lãi hơn 700 triệu đồng mỗi ngày.
Kiếm siêu lợi nhuận nhưng Viwasupco lại làm ăn vô trách nhiệm, lấp liếm bưng bít thông tin. Thậm chí lãnh đạo công ty còn “kêu khóc” trên truyền thông sau khi xảy ra bê bối nước nhiễm dầu thải, rằng “chúng tôi bị thiệt hại nặng nhất”.
Cả cộng đồng dân cư lại một lần nữa nổi giận trước cách hành xử kiểu “con buôn chộp giật”, thiếu đạo đức kinh doanh của Viwasupco. Ngay cả lời xin lỗi muộn màng hôm 24/10, Viwasupco cũng công bố xin lỗi kiểu qua quýt cho xong chuyện, hứa miễn phí tiền nước 1 tháng cho người dân. Liệu rằng những thiệt hại về vật chất, cuộc sống sinh hoạt của hàng chục vạn dân bị đảo lộn cũng như mất niềm tin vào doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, quản lý kiểm soát an ninh nước sạch đô thị, ai sẽ bù đắp cho người dân?
Câu hỏi nhức nhối đặt ra là từ lúc cổ phần hoá Viwasupco đến giờ, nhà máy nước sông Ðà làm ăn có lãi hàng trăm tỉ mỗi năm, thì việc tái đầu tư cho hệ thống xử lý nước sạch, công nghệ giám sát, đảm bảo chất lượng nước sạch có được những ông chủ tư nhân quyền lực chú trọng hay không? Bởi thực tế, những hình ảnh về mương dẫn nước nguồn đầu vào của nhà máy xử lý nước sạch sông Ðà cho thấy, thực tế kinh hãi về “công nghệ lọc nước” của doanh nghiệp quá thô sơ, cẩu thả, không kiểm soát và không ngăn chặn kịp thời những tác nhân gây nguy hại cho nguồn nước mặt. Ngay cả quá trình xử lý khắc phục hậu quả sau đó, doanh nghiệp này cũng đang được đánh giá là kém năng lực, phản ứng chậm chạp, lúng túng khiến cho nhiều người dân bức xúc chỉ trích Viwasupco đã phớt lờ đạo đức kinh doanh.