PV: Xin chào PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, như một nhà khoa học đã nói, khi diện tích trên mặt đất gần như khai thác sạch sẽ, người ta nghĩ đến đại dương, không gian sinh tồn cuối cùng của con người!... Và đại dương giờ đây cũng được ví như “cánh đồng cuối cùng của hành tinh trong thế kỷ 21”. Hiện chúng ta đang “gieo cấy và gặt hái” như thế nào trên cánh đồng bất tận này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:
Việt Nam là quốc gia đứng hàng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã vượt trên sản lượng khai thác thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vượt 9 tỉ USD năm 2018, đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng hải sản khai thác từ biển ngày càng hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản. Riêng về hải sản, mức độ đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản chỉ ở mức dưới 20% công suất thiết kế của nhà máy. Đói nguyên liệu đang là một nguyên nhân chính làm hạn chế hiệu quả của ngành chế biến xuất khẩu hải sản. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng. |
Trong vài chục năm qua, nuôi biển Việt Nam đã tự phát khởi đầu, cả nước có khoảng 50.000 hộ ngư dân nuôi hải sản ở vùng ven bờ, với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp và không bền vững.
Bước chuyển dần từ việc khai thác và nuôi biển thủ công ven bờ sang nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ là hướng phát triển bền vững và mang tính đột phá cho kinh tế và quốc phòng của đất nước. Việt Nam đang ở điểm khởi đầu của nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và đại dương, với nhiều thách thức. Những thách thức chính là: Thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp. Công cụ quản lý Nhà nước về biển còn yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả.
Lực lượng sản xuất nuôi biển còn quá mỏng, trình độ công nghệ còn lạc hậu, mới có rất ít doanh nghiệp nuôi biển. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh còn lạc hậu, thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ. Rủi ro do ô nhiễm môi trường biển cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển lỏng lẻo. Quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị nuôi biển (giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối,…) chưa được xây dựng.
PV: Giải pháp cho vấn đề nuôi thủy hải sản gần bờ đang gây ô nhiễm môi trường là nuôi biển ngoài khơi, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược vươn khơi bền vững này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:
Nuôi biển xa bờ là xu hướng phát triển chung trên thế giới và có khả năng tạo ra đột phá kinh tế. So với nuôi động vật trên cạn, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế - môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn (FCR của cá biển sử dụng thức ăn viên chỉ từ 1,0 - 2,5; trong khi động vật trên cạn 4,0 - 8,0), lại ít gây hại tới môi trường. Ngoài cá, có thể phát triển nuôi với sản lượng rất lớn những loài thủy sản ăn lọc, tận dụng thức ăn tự nhiên, như các động vật thân mềm (hàu, vẹm, nghêu, sò, trai, ốc,…). Trồng rong biển có thể đạt 400 kg protein/ha/năm (so với trồng cây trên đất chỉ thu 16kg/ha/năm) mà không hề tốn phân, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, lại có tác dụng rất lớn làm giảm CO2 và hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm khác trong khí quyển và đại dương.
Vùng nuôi cá biển công nghiệp của Công ty Trấn Phú tại Phú Quốc, Kiên Giang. |
Tiềm năng nuôi biển xa bờ là diện tích biển nằm trong vùng EEZ, tức ở khoảng cách từ 3 - 200 hải lý tính từ bờ, đáp ứng được các ngưỡng giới hạn về độ sâu, tốc độ dòng chảy và chi phí hiệu quả thích hợp với các phương pháp nuôi. Với các công nghệ nuôi biển hiện nay, khu vực đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nói trên thường chỉ chiếm 0,1% tổng diện tích EEZ.Kết quả đánh giá tiềm năng nuôi biển toàn cầu và nhiều quốc gia cho thấy, tiềm năng nuôi biển xa bờ là rất lớn, ngay cả với trình độ công nghệ hiện tại. Đặc biệt, với đa dạng sinh học, tiềm năng nuôi biển xa bờ đối với các loài hải sản vùng nước cận nhiệt đới và nhiệt đới lớn hơn hẳn vùng nước ôn đới.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc FAO cho rằng, ngay cả với diện tích rất nhỏ ấy cũng có thể đóng góp bền vững vào việc tăng sản lượng thực phẩm cho nhân loại. Năng suất nuôi cá biển (thí dụ: cá chim, cá vược, cá hồng Mỹ, cá giò) ở vùng nhiệt đới hiện tại là khoảng 9.900 - 12.000 tấn/km2. Như vậy, chỉ với 1.000 km2 biển (tương đương 0,1% diện tích vùng EEZ của Việt Nam) đã có thể cho sản lượng 10 - 12 triệu tấn cá biển nuôi mỗi năm.
Trong tương lai, những tiến bộ công nghệ sẽ mở rộng đáng kể tiềm năng nuôi biển xa bờ. Ví như, việc tăng độ sâu của hệ thống neo đối với lồng và dây treo, từ giới hạn 100 m lên 150 m sẽ giúp mở rộng diện tích phù hợp để phát triển nuôi biển lên 31%, hay gần 4,2 triệu km2. Các trại nuôi thả trôi ngoài khơi hoặc được trang bị động cơ đẩy cũng có thể mở ra một khu vực nuôi biển rộng lớn trong vùng EEZ, đến 158 triệu km2 trên toàn cầu. Để khai thác những tiềm năng to lớn ấy, hiện đang có nhiều quốc gia chạy đua phát triển nuôi biển công nghiệp xa bờ. Việt Nam chắc chắn cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy.
PV: Việt Nam đang chuyển hướng thế nào trong việc phát triển nghề nuôi thủy hải sản xa bờ, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:
Phát triển nuôi biển công nghiệp là giải pháp chiến lược tạo đột phá để giải quyết về cơ bản những hạn chế của nghề cá ven bờ tại Việt Nam. Mục tiêu chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phát điện, phân bón sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tốt hơn môi trường biển, tạo công ăn việc làm mới cho hàng chục vạn ngư dân, tăng cường sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo phương thức rất hòa bình và thân thiện, đưa Việt Nam trở thành cường quốc trên thế giới về nuôi biển.
Vùng nuôi cá biển công nghiệp của Viện NTTS 1 tại Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa |
Thực hiện nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ nuôi biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã khởi thảo trình Thủ tướng Chính phủ. Và với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao cho Hiệp hội VSA phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dưới dạng một Đề án phát triển.Nước ta cần khẩn trương xác định rõ tầm nhìn và hoạch định chiến lược phát triển nuôi biển để góp phần cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Đảng về Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế biển.
Đề án đề ra mục tiêu sắp xếp lại để ổn định vùng nuôi có hiệu quả ven biển, đảo gần bờ, bảo đảm môi trường sinh thái. Phát triển mạnh theo hướng bền vững nuôi biển công nghiệp vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, với quy mô lớn, công nghệ ngày càng hiện đại, năng suất cao, sản phẩm đa dạng, có khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của đất nước, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cụ thể đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1.750.000 tấn, giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỉ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững. Sản lượng nuôi biển đạt 3,0 - 4,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
PV: Xin ông cho biết, mô hình thể chế nào cần được thiết lập để có thể huy động nguồn lực phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp xa bờ tại Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:
Phát triển nuôi biển công nghiệp Việt Nam là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa đột phá cho kinh tế biển Việt Nam. Nội hàm chủ yếu của cuộc cách mạng đó tập trung chung quanh “tam giác thể chế phát triển”, với Chủ thể là Doanh nghiệp; Động lực là Công nghệ tiên tiến và Phương thức chủ yếu là Tích hợp đa ngành.
Phương thức Tích hợp đa ngành là nhân tố đảm bảo cho sự thành công của nuôi biển công nghiệp. Phát triển nuôi biển công nghiệp không phải là nhiệm vụ của riêng ngành thủy sản hay Bộ NN&PTNT, mà là sự nghiệp chung của tất cả các ngành kinh tế biển và nhiều ngành khác. Phương thức tích hợp đa ngành sẽ biến nuôi biển công nghiệp thành “dây lạt xanh” mềm mại và bền chặt để kết nối, huy động và tập trung các nguồn lực tổng hợp thực hiện có hiệu quả và phát huy tác dụng của cuộc cách mạng to lớn này.
Với một tầm vóc lớn lao, biển và đại dương chiếm 70% diện tích địa cầu, nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 1,7% khối lượng thực phẩm của thế giới, trong đó, sản phẩm nuôi biển chỉ mới chiếm chưa đầy 0,5%. Bởi thế, vươn ra biển, làm giàu từ biển là khát vọng của chúng ta trong kỷ nguyên mới này và thật không quá khoa trương khi nói “Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế biển”. |
PV: Theo ông, Việt Nam phải làm những gì để tận dụng những cơ hội phát triển nghề nuôi biển bền vững, canh tác được hiệu quả trên “cánh đồng cuối cùng của thế kỷ 21 này”?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:
Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) có một số đề nghị cụ thể với Nhà nước, để có thể thực hiện việc biến tiềm năng biển lớn lao của đất nước thành hiện thực. Đó là Chính phủ cần tổ chức xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Nuôi biển Công nghiệp đến năm 2030, thiết lập khung chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển cộng đồng doanh nghiệp nuôi biển (giao quyền sử dụng, cho thuê mặt nước biển, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng trung dài hạn, ưu đãi thuế); hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nuôi biển (từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối, dịch vụ), cơ chế khuyến khích tích hợp đa ngành và hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ hiện đại, bảo đảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện Quy hoạch Không gian biển căn cứ trên việc đánh giá sức tải môi trường các vùng biển; tăng cường năng lực cho Hệ thống quốc gia Giám sát và Cảnh báo Môi trường biển để làm căn cứ thực hiện các vùng nuôi công nghiệp.
Về phía Bộ NN&PTNT cũng phải khẩn trương hoàn thiện Đề án chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và tổ chức thực hiện; khẩn trương xây dựng Chính sách Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi biển công nghiệp tập trung theo Nghị quyết số 836 NQ/BCSĐ ngày 17/7/2019 của Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT.
Bộ Quốc phòng nghiên cứu xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Nuôi biển Quốc gia, đủ năng lực tài chính và công nghệ, làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng, dẫn dắt phát triển nuôi biển xa bờ, trên cơ sở Tổng Công ty Tân Cảng, các Hải đoàn 128-129 và một số nhà máy công nghiệp quốc phòng và các doanh nghiệp khác.
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chương trình Khoa học Công nghệ (KHCN) cấp quốc gia phục vụ phát triển nuôi biển công nghiệp 2021 - 2030; phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện việc chuyển các Viện, Trung tâm, Phân viện nghiên cứu ngành thủy sản thành các doanh nghiệp KHCN, cung cấp giống hải sản và dịch vụ công nghệ cao cho các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp.
Các Bộ, ngành các như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cần có đề án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, gồm công nhân nuôi biển, quản lý trại, công nhân công nghiệp phụ trợ nuôi biển công nghiệp.
Cần có chính sách thu hút các quốc gia tiên tiến về nuôi biển (Na Uy, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) để đẩy mạnh việc tiếp thu các công nghệ nuôi biển tiên tiến, hợp tác với các tập đoàn quốc tế sản xuất trang thiết bị phục vụ nuôi biển, xây dựng các dự án liên doanh nuôi biển công nghiệp (nhất là với Hoa Kỳ) trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Với vị trí địa lý chiến lược, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có tính đa dạng sinh học cao, nếu có chính sách thích hợp tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác biển, Việt Nam có những tiềm năng phát triển vô cùng to lớn, bao gồm những ngành hàng chủ yếu sau đây, với các chỉ tiêu phát triển thậm chí có thể cao hơn nhiều so với những mục tiêu đã đề ra của các dự án, đề án, chiến lược. 1. Cá biển: Phát triển nuôi những loài cá biển có giá trị kinh tế cao (cá Chim, cá Giò, cá Chẽm, cá Hồng Mỹ, cá Mú, cá Ngừ, cá Cam, cá Tráp, ...), sử dụng lồng nổi HDPE (chịu được bão cấp 12), các loại lồng chìm và bán chìm đa dạng, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở vùng biển sâu. Mục tiêu năm 2030: 600.000 tấn cá biển nuôi; giá trị nguyên liệu 3 - 4 tỉ USD. 2. Cá nước lợ: Tận dụng tiềm năng các vùng cửa sông, phát triển mạnh nuôi cá nước lợ có giá trị cao (cá Nhụ, cá Đối mục, cá Dìa, cá Măng,...) theo quy mô công nghiệp trong các khu vực ven biển, tạo sinh kế ổn định cho ngư dân các tỉnh ven biển, góp phần cải tạo môi trường vùng ao nuôi tôm đã bị thoái hóa. Mục tiêu năm 2030: 200.000 tấn cá nước lợ; giá trị 1 tỉ USD. 3. Tôm hùm và giáp xác biển: Nghiên cứu phát triển, du nhập và tiếp tục hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo, tổ chức ương nuôi giống chất lượng cao và sử dụng thức ăn nhân tạo phục vụ nuôi tôm hùm, tôm mũ ni và các giáp khác giá trị kinh tế cao trong lồng trong biển hoặc trong các trại với hệ thống RAS trên bờ. Mục tiêu 2030: 30 - 50.000 tấn; giá trị 1 tỉ USD. 4. Nuôi và chế tác ngọc trai: Mục tiêu 2030: 200 tấn ngọc (kích thước 7,0 - 10 mm), doanh thu thô 3 - 5 tỉ USD, chế biến thành thương phẩm có thể đạt 8 tỉ USD. 5. Các loài nhuyễn thể khác: Phát triển mạnh đầu tư nghiên cứu sản xuất giống và nuôi một số đối tượng xuất khẩu, như Bào ngư, Sò huyết, Điệp quạt, Ốc hương, Hầu, Vẹm xanh, Tu hài,... kết hợp với bảo tồn một số loài quý hiếm như: Bàn mai, Trai tai tượng, Ốc gai, Ốc đụn, Ốc mặt trăng, Ốc tù và,... Mục tiêu 2030: Sản lượng 500.000 tấn; giá trị 2 tỉ USD. 6. Rong biển: Chú trọng những loài có năng suất và giá trị cao (rong Nho, rong Câu, rong Sụn, rong Mơ) để làm thực phẩm và sản xuất các keo rong như car rageenan, agar, alginate,... cùng những loài rong có đặc tính sinh học đặc biệt phục vụ công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ. Trồng rong còn hấp thu khí nhà kính, hấp thụ các chất ô nhiễm, làm sạch nước, cản sóng biển xâm thực bờ, tạo môi trường cho các đàn cá trú ẩn, sinh sôi nảy nở. Mục tiêu 2030: Sản lượng 1 triệu tấn rong trồng; giá trị các sản phẩm rong sau chế biến và thương mại: 1 tỉ USD. 7. Nuôi vi tảo biển: Nuôi vi tảo ở quy mô công nghiệp tạo sinh khối để làm thực phẩm và làm nhiên liệu sinh học (bio-diesel) phát điện là giải pháp sinh học tiết kiệm nhất và sạch nhất để tạo nguồn nhiên liệu và năng lượng xanh cho đất nước. Giải pháp này còn hấp thu CO2 từ khí quyển, đóng góp vào việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên của Trái đất. Liên doanh Tập đoàn Beehive Venture Group (Mỹ) và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Năng lượng Xanh Việt Nam vừa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho đầu tư cơ sở nuôi tảo biển để chế tạo nhiên liệu sinh học chạy nhà máy phát điện công suất 1.500 MW, chỉ sử dụng 242 ha đất và mặt nước biển. 8. Các loại hải đặc sản khác: Phát triển nuôi các loài thân mềm, động vật đáy, động vật da gai và các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao khác, như cua biển, ghẹ, mực ống, bạch tuộc, hải sâm, hải miên, cá cảnh biển,... Mục tiêu năm 2030: Sản lượng 100.000 tấn. 9. Công nghiệp chế biến hải sản, tối ưu hóa phụ liệu, phế liệu hải sản: Nếu được cung cấp đầy đủ nguyên liệu từ nuôi biển, công nghiệp chế biến hải sản hiện có của Việt Nam sẽ phát huy được năng lực thiết bị, đưa xuất khẩu hải sản lên tầm cao mới. Đồng thời, cần tăng cường du nhập và phát triển ứng dụng công nghệ vi sinh và các công nghệ cao khác để chiết suất các tinh chất, vi chất từ phế liệu chế biến và phụ phẩm hải sản, phục vụ cho y dược, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu 2030: Tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 20 - 25 tỉ USD; tận dụng 50 - 70% phế liệu hải sản, để sản xuất sản phẩm giá trị cao. |
Đồng thời, xây dựng đề án thành lập Quỹ Khởi nghiệp và Phát triển Nuôi biển Công nghiệp - tổ chức hợp tác công - tư (PPP) với nguồn kinh phí chủ yếu do doanh nghiệp đóng góp theo quy định (thí dụ: 1% giá trị xuất khẩu), cùng tài trợ ban đầu của Nhà nước và hỗ trợ quốc tế. Quỹ sẽ cung cấp tài chính cho doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp và các tổ chức marketing quốc gia, có nhiệm vụ phát triển thương hiệu Hải sản Tinh túy Việt Nam.
Cộng đồng 180 doanh nghiệp, các tổ chức KHCN, các nhà khoa học và chuyên gia thành viên của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) nhận thức rằng, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển nuôi biển công nghiệp, tiến ra làm chủ vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp ba diện tích đất liền, làm giàu cho dân, đưa nước ta thành quốc gia hàng đầu thế giới về nuôi biển. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc, Đảng và Chính phủ sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức KHCN biển Việt Nam tận dụng có hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!