Ảnh minh họa. (Nguồn: Futurity) |
Theo một nghiên cứu đăng tải ngày 15/4 về nguy cơ biến đổi khí hậu làm gia tăng mạnh mực nước biển toàn cầu, dải băng Greenland đã thu hẹp nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi bắt đầu ghi nhận kỷ lục băng tan vào năm ngoái.
Nhóm tác giả thuộc Đại học Columbia tại Mỹ và Đại học Liege của Bỉ đăng tải nghiên cứu trên tạp chí The Cryosphere, cho biết dải băng lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất "khối lượng bề ngoài" - theo cách gọi của giới khoa học - kể từ khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được lưu trữ năm 1948.
Dải băng Greenland đã mất đi khoảng 600 tỉ tấn nước năm ngoái và lượng nước này sẽ khiến mực nước biển dâng cao thêm khoảng 1,5mm. Dải băng Greenland bao phủ 80% đảo Greenland thuộc Đan Mạch. Nếu dải băng này tan chảy toàn bộ có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao hơn 7m.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hiện tượng băng tan ở mức cao không chỉ do nhiệt độ ấm, mà còn bởi các hình thái tuần hoàn khí quyển xuất hiện thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Theo họ, hầu hết các mô hình được giới khoa học sử dụng để dự báo lượng băng tan của Greenland trong tương lai không tính đến tác động của việc thay đổi các hình thái tuần hoàn khí quyển. Điều này đồng nghĩa các mô hình như vậy có thể đang đánh giá thấp nguy cơ băng tan trong tương lai.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư nghiên cứu tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia, Marco Tedesco, cho rằng mô hình dự báo trên gần như đã “bỏ qua” một nửa lượng băng có nguy cơ tan chảy.
Giáo sư Tedesco nhấn mạnh trong những thập kỷ qua con người phá hủy khối băng được hình thành qua hàng nghìn năm, và điều này kéo theo nhiều tác động lớn đối với các nơi khác trên thế giới.
Ông Tedesco cho biết thêm 20-25% mực nước biển dâng trên toàn cầu trong mấy thập kỷ qua là do lượng băng tan từ Greenland.
Nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng, tỉ lệ này thậm chí có thể “nhảy vọt” lên khoảng 40% vào năm 2100, cho dù không thể chắc chắn về tốc độ và diễn biến băng tan ở Nam Cực-dải băng lớn nhất trên Trái Đất.
Lưu ý những tác động của biến đổi khí hậu-từ các vụ cháy rừng lớn ở Australia đến hiện tượng tan băng ở Bắc Cực diễn ra nhanh hơn dự đoán trước đây của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu trên cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trước đó, báo cáo do Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố vào tháng 9 năm ngoái dự báo mực nước biển có thể tăng thêm 1m vào năm 2100 nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng.
Lượng lớn nước tan chảy giống như ở Greenland sẽ khiến thủy triều dâng cao hoặc gây lũ lụt hằng năm, từ đó đe dọa sinh kế của hàng trăm triệu người, cũng như làm thay đổi độ mặn của nước biển và có thể phá vỡ hệ sinh thái biển.