Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam diễn ra ở Hà Nội ngày 9/5, ông Lê Phú Hà – Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, dữ liệu trong ngành cơ bản đã được số hóa. Bộ xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết trong việc hỗ trợ đưa ra các quyết định, chính sách, dự báo… phục vụ quản lý nhà nước, xã hội, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
“Ngành tài nguyên môi trường có phạm vi ảnh hưởng và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước” – ông Hà nhấn mạnh và cho hay: “Trong thời gian tới sẽ coi dữ liệu là tài sản lớn nhất của ngành, thậm chí giá trị lớn hơn những mỏ ở dưới đất. Có thể kể đến thông tin về việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Để tiếp tục giải bài toán về công nghệ thông tin trong ngành, ông Hà cho biết sẽ hiện đại hóa thiết bị, chú trọng đến các máy quan trắc thông minh nhằm bảo đảm chính xác, thời gian thực; ưu tiên sử dụng công nghệ IoT, truyền số liệu an toàn, tốc độ cao như mạng 5G. Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) trong công tác giám sát, cảnh báo thời tiết, thủy văn, biến đổi khí hậu, viễn thám…
Với tầm quan trọng của dữ liệu ngành, lãnh đạo cục cho rằng việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh dữ liệu cũng được phát triển song song. “Dữ liệu cũng là tài nguyên quốc gia, vì thế cần đảm bảo các quyền khai thác, có cá biện pháp mã hóa, bảo mật thông tin”, ông Hà nói. “Những giải pháp này sẽ phục vụ xây dựng các hệ thống thông tin cung cấp, chia sẻ, khai thác và mua bán thông tin, số liệu ngành tài nguyên và môi trường”.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải cho rằng, cần coi dữ liệu là tài nguyên quốc gia. “Trong thời đại 4.0, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, hành vi của người dùng” – ông nói và nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Việt cần làm chủ, nhà nước cần kiểm soát được tài nguyên này, an ninh không gian mạng cũng chính là an ninh quốc gia”.
Theo VNE