Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là giải pháp hướng tới phát triển bền vững

Sáng 2/7, Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019 đã khai mạc tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức trong hai ngày (2 và 3/7) với sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chấm thi THPT quốc gia phải an toàn, nghiêm túc, trung thựcBộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức môn Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 5 lưu ý trước kỳ thi THPT quốc gia 2019

Với chủ đề "Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: Từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học và trung học" do Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức.

bo truong phung xuan nha giao duc la giai phap huong toi phat trien ben vung
Đại diện các đơn vị tổ chức tại Diễn đàn.

Diễn đàn diễn ra trong hai ngày (2-3/7), bao gồm 7 phiên họp toàn thể và 4 phiên thảo luận nhóm. Các đại biểu tham gia diễn đàn có cơ hội chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi nhằm giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập (nhận thức, cảm xúc xã hội và cách ứng xử) nhằm đạt mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Cụ thể là Mục tiêu 4.7, có liên quan chặt chẽ tới Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu.

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững không thể đạt được chỉ bằng các thỏa thuận chính trị, giải pháp tài chính hoặc công nghệ mà cần thay đổi các giá trị và hành vi của cộng đồng, giúp họ lựa chọn một cách sống bền vững hơn.

"Giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Lấy ví dụ về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Kể từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12/2018 dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học, giúp học sinh có kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại buổi họp báo trước Diễn đàn, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO tổ chức diễn đàn lần này với sứ mệnh là cơ quan hoạt động, hỗ trợ nhiều chương trình giáo dục. Là cơ quan đang dẫn đầu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4, giáo dục vì sự phát triển bền vững, UNESCO đang đặt các mục tiêu là xây dựng và gắn giáo dục với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Diễn đàn "Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu" của UNESCO năm 2019 có sự tham dự của hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các đại diện của các bên liên quan đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước có nền giáo dục phát triển, đặc biệt là giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Mỹ La-tinh. Diễn đàn lần này hưởng ứng chủ đề "Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học và trung học".
Diệu Nguyên
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường