Trong buổi gặp mặt Thông tin báo chí do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/8, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế). Ảnh: GĐVN |
Ông Liên cũng một lần nữa khẳng định, Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn xây dựng mức giá, không phải ban hành mức giá. Đây là giá "khung" các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung này.
Theo đó, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bênh (KCB) theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Trước nhiều ý kiến cho rằng giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày là quá cao, sánh ngang với khách sạn hạng sang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Liên cho biết việc so sánh này là không hợp lý bởi lẽ : "Khách sạn du khách chỉ ở thời gian ngắn, chủ yếu tối về ngủ, còn ban ngày đi công tác, đi du lịch.
Nhưng giường bệnh viện là người bệnh phải nằm 24/24h, luôn có điều dưỡng chăm sóc 24/24h giờ, kèm ăn uống, bệnh lý... Giường 4 triệu đồng/ngày chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Giường này có cả giường nằm cho người nhà, phòng tiếp khách trong phòng bệnh”, ông Liên giải thích.
Hình ảnh một phòng dịch vụ tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: GĐVN |
Theo ông Nam Liên, ngay tại Việt Nam có nhiều bệnh viện tư với giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu/phòng. Bệnh nhân tuy nằm điều trị tại các viện này, nhưng khi khám, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, phẫu thuật vẫn mời các giáo sư, chuyên gia của bệnh viện công đến. "Vậy tại sao ta không có cơ chế cho bệnh viện công thực hiện dịch vụ ngay tại bệnh viện?", ông Nam Liên đặt câu hỏi.
Loại giường dịch vụ lên đến 4 triệu/ngày đặc biệt chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện tổ chức, không áp dụng đại trà. Theo đó, trong phòng vừa phải có giường bệnh, có giường cho người nhà, có khu vực tiếp khách, ông Nam Liên cho biết.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cũng cho biết mức giá theo dự thảo thông tư do Bộ Y tế ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại bệnh viện, các loại dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo bản dự thảo cuối của Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, giá này chưa bao gồm các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật. Trường hợp dùng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ, BV hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám. Tại các cơ sở y tế khác trừ BV hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám. Giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt, một giường/phòng). Ngoài ra, có các mức 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại bốn giường - ba giường - hai giường/phòng. Dự kiến từ ngày 1/10/2019 Thông tư sẽ có hiệu lực. |