Trong buổi lấy ý kiến diễn ra sáng 13/11, ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội (Công ty) cho hay, đề án nêu trên do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty và Viện kỹ thuật tài nguyên nước (Đại học Thủy Lợi) là đơn vị tư vấn.
Theo ông Hùng, sau khi cân nhắc các phương án, đơn vị tư vấn đề xuất thành phố lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để bổ cập cho hồ Tây và pha loãng làm sạch nước sông Tô Lịch.
Thời gian qua, giới chuyên môn đã có nhiều sáng kiến cải tạo sông Tô Lịch, nhưng đến nay chưa có phương án khả thi. (Ảnh: Dân Việt) |
Tuy nhiên, đề xuất này lại một lần nữa gây ra nhiều tranh cãi. Mới đây, chia sẻ với báo Người đưa tin, ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động Môi trường cho rằng, đề án này không khả thi. Không khả thi về mặt kinh tế, bởi nếu bơm thì phải bơm liên tục, không tiền đâu mà rửa nổi.
Ông cũng phân tích thêm, nếu không xử lý nước ở sông Tô Lịch trước, mà chỉ đẩy nước từ hồ Tây về thì nước bẩn ở sông Tô Lịch sẽ phải đẩy sang và ô nhiễm ở chỗ khác.
Nếu bơm nước như vậy thì ngày nào cũng phải bơm, rửa thì sông Tô Lịch mới sạch được. Bởi, có hơn 200 cái cống, ngày nào cũng thải nước bẩn ra. Như vậy thì rửa đến bao giờ, làm như vậy rất tốn kém. Còn nếu có tiền để bơm rửa thì cũng chuyển ô nhiễm đó sang cho nơi khác mà thôi.
Và đương nhiên, khi bơm nước vào như vậy thì chỗ hạ lưu của các nhánh sông nhận lấy nước bẩn ô nhiễm là điều hiển nhiên.
Còn theo GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam lưu ý, việc thay nước hồ Tây cũng phải đảm bảo thủy sinh vật trong hồ. Quy trình thay nước cần phải làm từ từ để các nhà khoa học có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây thì nó chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học.
Theo GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch do quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, nước sông Hồng ngày càng sút giảm so với trước đây nên phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng ý lấy nước hồ Tây “cứu” sông Tô Lịch, ông Lê Minh Châu – nguyên Giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, việc lấy nước sông Hồng sau khi lắng phù sa bổ cập nước vào Hồ Tây và cung cấp thêm nước cho sông Tô Lịch vào mùa cạn kiệt, đã được đề cập và đã có nhiều cuộc hội thảo vào cảc năm 1996, 1998. Có nhiều ý kiến tán thành cũng có những ý kiến khác, lãnh đạo Thành phố cũng có nhiều lý do, về kinh phí, những vấn đề cần ưu tiên khác nên chưa triển khai dự án được.
“Theo tôi việc triển khai dự án này là hết sức cần thiết vì việc bơm nước lắng lọc phù sa từ sông Hồng sẽ đảm bảo chất lượng nước để bổ cập cho Hồ Tây. Với công nghệ của ta hiện nay hoàn toàn làm được, các đơn vị thi công trong nước đủ khả năng làm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng công trình”, ông Châu nhận định.
Dự đoán tương lai về sau nếu hồ Tây không được bổ cập nước, ông Châu cho hay: “Nếu Hà Nội không bổ cập nước cho hồ Tây sau cải tạo Hồ thì vài thập niên sau Hà Nội không còn hồ Tây nữa mà còn đầm hồ Tây. Sông Tô Lịch cũng sẽ chết vì mùa khô không có nước”.