Bức tranh toàn cảnh về xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa

Xây dựng Nông thôn mới (NTM) - một chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Sau 10 năm triển khai, với cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp, chương trình “Xây dựng Nông thôn mới” của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, đời sống của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau khi rút ra những bài học kinh nghiệm, cũng đòi hỏi Thanh Hóa phải nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp.

Xây dựng nông thôn mới: Tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân

Là tỉnh có địa bàn rộng, đông dân cư, đặc thù vùng miền khác nhau, trong quá xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo các cấp đã triển khai các giải pháp khá linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh việc xây dựng NTM cấp xã như toàn quốc đang thực hiện, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản tại nhiều địa phương với phương châm “có nhiều thôn, bản NTM sẽ có xã NTM”.

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Mô hình trồng dưa trong nhà kính tại thôn Xuân Lập xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân

Trong khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa hoàn thiện, chưa kịp thời; thì Thanh Hóa đã căn cứ điều kiện cụ thể, với cách tiếp cận tự tin, sáng tạo, thành lập bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở; ban hành hướng dẫn lập “Quy hoạch xã NTM 3 trong 1”, Quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân”, “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM”.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn thực hiện hoạt động cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn để thực hiện “3 cùng” với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhằm khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực miền núi xây dựng NTM. Đồng thời, tình cũng ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM; khen thưởng hàng năm và khen thưởng giai đoạn cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “ Chung sức xây dựng NTM”.

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Khẩu hiệu xây dựng Nông thôn mới của huyện Thọ Xuân

Đặc biệt, Thanh Hóa chủ trương xây dựng NTM gắn chặt với phát triển nông nghiệp. Sở Nông nghiệp & phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, đã phân công cho các đơn vị ngành nông nghiệp trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu các thôn, bản xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật.

Với quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; xây dựng NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; Thanh Hóa xác định xây dựng NTM phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Diện mạo mới của vùng nông thôn xứ Thanh

Chương trình “Xây dựng Nông thôn mới” của tỉnh Thanh Hóa đã và đang đi đúng hướng, với tầm vóc, vai trò, ý nghĩa và thành tựu đạt được hết sức to lớn. Chương trình đã bao trùm , bao phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh trật tự ở nông thôn.

Cái được lớn nhất tưởng như vô hình mà lại mang ý nghĩa quan trọng đó chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong việc triển khai chương trình “Xây dựng Nông thôn mới”. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Thanh Hoá triển khai xây dựng NTM trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 5 huyện, 55,8% số xã đạt chuẩn NTM, 20% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu, Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp đột phá và cách làm sáng tạo.

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Những con đường khang trang tại các vùng Nông thôn mới của xứ Thanh

Dựa vào các nguồn lực, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo được 9.335 km đường giao thông nông thôn, gần 2.000 km đường giao thông nội đồng, 617 công trình thủy lợi nhỏ, 2.539km kênh mương nội đồng, gần 12.700 phòng học các cấp, 326 trạm biến áp và 2.292km đường dây hạ thế... Các địa phương cũng xây dựng mới được 471 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 2.958 nhà văn hóa thôn, 334 chợ nông thôn, 519 trạm y tế, 449 trụ sở xã, hơn 52.000 công trình cấp nước sinh hoạt, xây mới và chỉnh trang 102.460 nhà ở dân cư...

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Hệ thống cơ sở vật chất của huyện Yên Định- một trong 5 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa

Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ được chú trọng thực hiện. Năm 2018, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Thanh Hóa chiếm 12,72% trong tổng GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 2,3%/năm (ước tính năm 2019 tăng 2,7%).

Hoạt động sản xuất trồng trọt đạt kết quả cao, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi linh hoạt 30.000 ha cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao; xây dựng được 35.000 ha mô hình cánh đồng mẫu lớn và 36.000 ha mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi cũng được chuyển sang hình thức tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là phát triển mô hình trang trại, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Sản xuất thuỷ sản tăng trưởng khá, toàn tỉnh có 7.445 tàu cá với tổng công suất đạt 576.000 CV, trong đó 1.800 tàu khai thác xa bờ và 340 tổ đoàn kết trên biển. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%, tăng 5,8% so với năm 2010.

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (ảnh minh họa)

Về lĩnh vực xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao kỹ năng tay nghề và giải quyết việc làm theo cả 2 hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp đột phá, căn cơ để chuyển đáng kể lực lượng lao động nông nghiệp dư thừa sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, chất lượng đạt chuẩn các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng lên rõ rệt. Trên thực tế, tình làng, nghĩa xóm, phát huy quy chế dân chủ, giữ gìn vệ sinh môi trường, tình hình an ninh nông thôn đã có thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực.

Đặc biệt, thành tựu lớn nhất là được lòng dân, điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt; sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở - từ trách nhiệm, năng lực quản lý đến sự sâu sát, gần gũi với dân hơn.

buc tranh toan canh ve xay dung nong thon moi o thanh hoa
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng trao bằng củ Thủ tướng Chính Phủ công nhận huyện Đông Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019

Điều dễ nhận thấy hiện nay là bức tranh tổng thể hay diện mạo NTM tỉnh Thanh đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Đến năm 2019, Thanh Hóa đã có 5 huyện đạt chuẩn NTM : Huyện Yên Định, huyện Đông Sơn, huyện Vĩnh Lộc và huyện Thọ Xuân và huyện Quảng Xương.

Bài học rút ra từ thực tiễn và giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trải qua quá trình 10 năm thực hiện chương trình “Xây dựng Nông thôn mới”, từ thực tiễn sinh động, Thanh Hóa có thể rút ra nhiều kinh nghiệm cốt lõi: Nhận thức đúng là tiền đề; cán bộ tâm huyết là quyết định; 19 tiêu chí là định hướng; phát triển sản xuất là gốc; xây dựng hạ tầng thiết yếu là khâu đột phá; nâng cao đời sống, phát huy vai trò chủ thể của người dân là mục tiêu. Quá trình triển khai thực tiễn cũng rút ra 5 nhóm vấn đề cần quan tâm cho các giai đoạn tiếp theo. Dựa trên những bài học rút ra từ thực tiễn, tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện các giải pháp, như: Chỉ đạo các cấp huyện, xã tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của xây dựng NTM, qua đó tạo sự đồng thuận, trong huy động tập trung xây dựng NTM. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, vận động nhân dân, dòng tộc, con em địa phương làm ăn xa và các cá nhân thành đạt tham gia xây dựng quê hương.

Trong quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm những vấn đề nảy sinh tại các cấp cơ sở. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân phải được bàn bạc lực chọn nội dung thực hiện và mức đóng góp, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng huy động quá sức dân, đầu tư quá khả năng thanh toán của địa phương./.

Hoàng Linh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết