Khoảng 9h sáng nay (16/9), Công ty CP cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - Đơn vị trực tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch đã tổ chức buổi thả cá chép Nhật Bản (cá Koi) và cá chép Việt Nam xuống sông để chứng minh chất lượng nước sau xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor.
Công ty JVE đã thả 50 con cá chép Nhật Bản (Koi) cùng một số loài cá khác xuống sông Tô Lịch. |
Cá Koi có nguồn gốc từ Trung Á sau đó phát triển mạnh, phổ biến tại Trung Quốc và Nhật Bản. Cá Koi – Quốc ngư Nhật Bản là một biểu tượng cho sự may mắn, quyền quý từ hàng trăm năm nay đang được nhiều người ở Việt Nam ưa chuộng trong một khoảng thời gian gần đây.
Nước nuôi cá Koi phải sạch cỡ nào?
Theo kinh nghiệp nuôi cá Koi Nhật của giới nhà giàu Việt, nước nuôi cá Koi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khắt khe như: Độ pH: 7-7.5; Ngưỡng pH: 4-9; Nhiệt độ 20-27oC; Hàm lượng O2 tối thiểu: 2,5mg/L
Với hồ nuôi cá, hệ thống lọc được ưu tiên hàng đầu giúp cá phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra hệ thống lọc còn giúp làm giảm việc phải thay nước hồ cá, làm sạch ao cá, tăng sự duy trì của ao cá.
Thông thường, sau một thời gian nuôi cá thì chất thải, chất nhờn, ánh nắng mặt trời… sẽ làm cho tảo, rong rêu phát triển nhiều hơn làm ảnh hưởng đến oxy trong hồ làm thiếu hụt lượng oxy để cá hô hấp nên người nuôi còn phải bổ sung trồng cây cối xung quanh hồ để đảm bảo lượng oxy.
Cá Koi có thể nhiễm bệnh do không thường xuyên vệ sinh, cải tạo hồ nuôi hoặc không thiết kế khoa học dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh minh họa. |
Nhiệt độ tối ưu cho cá Koi là từ 20 đến 27 độ C. Lượng oxy trong nước đủ sẽ giúp cá Koi sống tốt hơn, cá Koi thích hợp với môi trường nước hơi kiềm. Cá Koi lớn yêu cầu lượng oxy hòa tan càng cao do đó hồ nước cần có bơm sục khí để tăng cường oxy.
Cá Koi thích hợp với môi trường nước sạch có độ cứng thấp, độ PH từ 7 đến 7,5. Nếu độ cứng của nước quá cao sẽ dẫn đến tắc nghẽn luồng oxy trên bề mặt nước. Cố gắng giữ nhiệt độ nước, ngưỡng pH, độ pH duy trì ổn định, tránh sự thay đổi đột ngột dẫn đến sốc làm cá chết.
Khi thay nước thì phải thay từ từ chứ không nên thay đột ngột một số lượng lớn dễ gây sốc cho cá (nên 2 ngày thì thay 1/3 lượng nước cũ trong hồ 1 lần). Ngoài ra, nước trước khi bơm vào hồ phải qua bước xử lý Clo (phơi nắng, dùng than hoạt tính…).
Đặc biệt hồ cá Koi cần phù hợp với thời tiết 4 mùa. Vào mùa xuân, mùa thu trời ấm lạnh cá sẽ bơi ra ngoài trời, mùa thu với nhiệt độ phù hợp là mùa phát triển tốt nhất cho cá Koi, mùa đông nhiệt độ thấp cần phải có phương pháp che chắn thích hợp hoặc đưa cá vào nhà. Vào mùa đông, lượng thức ăn cho cá Koi cũng phải giảm đi, cá bơi chậm, lúc này cần giữ nhiệt độ nước thích hợp, giảm số lần thay nước, giữ sạch hồ nước.
Cá Koi phải được nuôi cẩn thận, quản lý việc cho cá ăn. Cần cho cá ăn với một lượng thích hợp, nếu cá bị bỏ đói sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, làm cơ thể cá mỏng và yếu đi, giảm khả năng kháng bệnh của cá, màu sắc cá bị xỉn và mờ màu, giảm độ đẹp.
Cá Koi Nhật "yếu như công tử bột"
Cá Koi thường mắc một số bệnh như: nấm thông thường, thối mang, bệnh về đường ruột, bệnh trên da… |
Cá Koi có thể nhiễm bệnh do không thường xuyên vệ sinh, cải tạo hồ nuôi hoặc không thiết kế khoa học dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Hệ thống lọc nước trong hồ cá ngoài trời, trong nhà không đạt chuẩn hay bộ lọc không đủ công suất so với thể tích hồ.
Nếu không xử lý vi sinh và những sinh vật ngay lúc đầu, không cách ly cá mới mua về để khám sức khỏe sẽ dẫn đến lây bệnh cho số lượng cá cũ.
Ngoài ra, nếu hồ cá Koi quá bé so với số lượng cá trong hồ cũng dẫn đến cá không có không gian để hoạt động, lượng oxy thiếu hụt, chất thải nhiều…
Cá Koi thường mắc một số bệnh như: nấm, thối mang, bệnh về đường ruột, bệnh trên da…
Mặc dù nuôi cá Koi không thể tránh khỏi tình trạng cá mắc bệnh tuy nhiên cần có những biện pháp để ngăn ngừa bệnh cho cá Koi như: đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm, vệ sinh môi trường thường xuyên, hồ nước đủ oxy, cho cá ăn hợp lý, cần phải che chắn để tránh nắng trực tiếp vào mùa hè…
Như vậy, trước khi nuôi cá Koi người chơi cần tìm hiểu, trang bị nhiều kiến thức về loài cá Koi, hồ nuôi cá, nguồn nước, môi trường sống của cá Koi…để giúp cá phát triển khỏe mạnh.
Cá Koi Nhật có sống nổi dưới sông Tô Lịch?
Với những yêu cầu khắt khe về môi trường sống như trên, thông tin về việc thả cá Koi xuống sông Tô Lịch khiến nhiều người tỏ ra lo ngại.
"Không biết có phải cử người trông coi số cá đã thả xuống sông? Miền Bắc đang vào thời điểm có nhiều cơn mưa lớn. Nếu nước sông Tô Lịch dâng cao, tràn vào khu vực xử lý nước theo công nghệ Nhật Bản khiến khu vực xử lý nước bị xâm thực thì có bị ô nhiễm lại và đàn cá Koi có chịu được điều này không?" - một chuyên gia về cá Koi đặt ra câu hỏi.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty JVE khẳng định: "Cá Koi Nhật Bản cũng như cá chép Tam Dương chỉ sống ở môi trường nước sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ chết. Tuy nhiên, tại sông Tô Lịch, sau khi được thí điểm xử lý bằng công nghệ Nhật Bản nguồn nước đã đạt quy chuẩn Việt Nam, 2 loại cá này hoàn toàn có thể sống được bình thường".
Ngoài ra, nhiều người cho rằng việc đảm bảo an toàn cho đàn cá Koi trên khu vực sông Tô Lịch cũng gặp nhiều khó khăn bởi hai bên là tuyến đường lưu thông đông đúc. Nếu không cử người trông coi, đàn cá có thể bị câu hoặc bắt trộm.