Cà Mau căng mình xử lý sạt lở và sụt lún

Cà Mau là tỉnh duy nhất của đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, nên rất dễ bị ảnh hưởng tác động của hạn hán cực đoan kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng ngọt hóa.

Sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra ngày càng mạnh, trong những năm gần đây nhiều khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng như khu vực Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới năm 2017 và gần đây nhất là sạt lở tuyến QL91 khu vực qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Sạt lở tại Quốc lộ 91 đang tiếp tục cho đến thời điểm hiện nay và vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có biện pháp xử lý.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau kiến nghị sớm xây dựng quy hoạch ĐBSCL, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh (tích hợp theo Luật Quy hoạch).

Sạt lở, sụt lún luôn đe dọa

Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, ba mặt giáp biển như một bán đảo với tổng chiều dài bờ biển 254km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km); trong đó có trên 80% tổng chiều dài sạt lở. Chỉ tính riêng bờ biển Tây có khoảng 57km chiều dài sạt lở cực kỳ nguy hiểm. Hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có rất nhiều nơi không còn rừng phòng hộ, sóng biển thường xuyên uy hiếp đê biển Tây, có thể làm vỡ đê biển bất cứ lúc nào.

Triều cường kết hợp với sóng to, gió lớn làm nước biển tràn qua đê biển Tây vào ngày 03/8/2019. (Ảnh: BCH PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau)

Vào thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường, bờ biển Tây luôn bị đe dọa, điển hình là triều cường dâng cao gây ra tràn và sạt lở đê biển Tây xảy ra vào ngày 03/8/2019, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 128.900 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hạn hán mùa khô 2019 – 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt hơn năm 2015 – 2016 đã làm cho các kênh, rạch bị khô cạn, gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.000 điểm ở nhiều tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài trên 34km. Riêng tuyến đê biển Tây có 2 điểm sụt lún, với tổng chiều dài 240m, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, sâu từ 0,5 đến 2,2m và sụt lún gần như toàn bộ chiều ngang của đê.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, trước diễn biến cực đoan của thời tiết đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển Cà Mau, tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở từ những giải pháp xử lý tạm thời như: rọ đá, cừ bằng vật liệu địa phương kết hợp đá hộc, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn,… đến kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện giải pháp này với tổng chiều dài trên 40 km ở cả bờ biển Tây và bờ biển Đông và đã phát huy hiệu quả khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển

Ngoài ra các nhà khoa học, các viện trường thuộc Bộ, ngành Trung ương cũng hỗ trợ cho tỉnh nhiều giải pháp xử lý sạt lở điển hình như giải pháp đê trụ rỗng của Viện Thủy công thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, tỉnh cũng chỉ đạo thành lập nhiều đoàn công tác (bao gồm các sở, ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương) tiến hành khảo sát, ghi nhận hiện trường và xác định nguyên nhân diễn biến phức tạp của sụt lún đất trên địa bàn tỉnh nói chung và đê biển Tây nói riêng.

Từ những nhận định ban đầu cùng với việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phối hợp từ các Bộ, ngành trung ương, các viện, trường, các nhà khoa học... Căn cứ vào các tiêu chí: lượng mưa thực đo, độ ngập nước trên kênh rạch và thời gian kéo dài do tình hình hạn hán gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 2/3/2020 công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai thực hiện xử lý sụt lún đê biển Tây theo tình huống khẩn cấp bằng giải pháp bơm bùn, cát vào kênh mương đê xử lý tạo phản áp đối với đoạn đê bị sạt lở, sụt lún với chiều dài 4.300m.

Thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn

Mặc dù đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở, sụt lún, song tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt nhiều thách thức để thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với các loại hình thiên tai trên.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cho hay, đây là địa phương duy nhất của ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, nên rất dễ bị ảnh hưởng tác động của hạn hán cực đoan kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là vùng ngọt hóa.

Trong khi đó, nhiều địa bàn không có trạm quan trắc khí tượng thủy văn, điển hình như tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh nên không có cơ sở để xác định cấp độ rủi ro thiên tai, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các biện pháp cấp bách để xử lý.

Chưa kể, việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở có nơi chưa quyết liệt; một bộ phận người dân còn chủ quan, làm theo lối cũ, không thực hiện khuyến cáo của ngành chuyên môn nên chưa thật sự chủ động trước diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai.

Trước diễn biến tình hình thiệt hại về sản xuất, dân sinh do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành trung ương xét nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp IV nâng lên đê cấp III. Đặc biệt, sớm xây dựng quy hoạch ĐBSCL thích ứng với BĐKH, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Ngoài ra, hỗ trợ tỉnh Cà Mau lắp đặt thêm một số trạm khí tượng, thủy văn để phục vụ công tác dự báo thiên tai được tốt hơn, nhất là vùng ngọt hóa của tỉnh.

Cà Mau triển khai các biện pháp phòng chống bão, bão mạnh

Qua công tác ứng phó một số cơn bão lớn như bão Tembin (2017) và bão Pabuk (2019), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cho rằng, trước mùa mưa bão, cần tiến hành rà soát, thống kê, phân loại từng nhóm nhà, xác định các nhóm thuộc diện phải chằng, chống để đảm bảo an toàn, qua đó hướng dẫn cho chính quyền địa phương, người dân chủ động các biện pháp chằng chống phù hợp, trong đó áp dụng linh hoạt, sáng tạo các cách thức chằng chống nhà bằng vật liệu địa phương, bao gồm cả việc tháo dỡ; chủ động mua sắm vật tư chằng chống nhà (dây thừng, dây chì,…) dự trữ trong nhà để tránh khan hiếm khi xảy ra bão; mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước mùa mưa bão và phải thường xuyên kiểm tra, gia cố đề phòng hư hỏng.

Tuyết Chinh
Theo TN&MT

Xem thêm

Liên kết