Hàng chục ngàn hécta rừng tràm U Minh Hạ đang ở mức báo động cháy cấp cao nhất. (Ảnh:Huỳnh Thế Anh/TTXVN) |
Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt đã khiến hàng chục ngàn hécta rừng đang ở mức báo cháy cấp cao nhất, ngày 25/3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cùng đoàn công tác đã đi khảo sát, kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng; đồng thời thăm hỏi, động viên các lực lượng, đơn vị đang ngày đêm túc trực giữ cho rừng tràm U Minh Hạ được an toàn vượt qua mùa khô.
Đoàn công tác đã đi khảo sát một số tuyến trọng yếu trên lâm phần rừng U Minh Hạ như: Phân trường U Minh I, Đội bảo vệ Sở Chỉ huy thống nhất của tỉnh và Trung tâm Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Vào thời điểm này, tổng diện tích rừng khô hạn trên toàn tỉnh Cà Mau vào khoảng 43.583ha, trong đó dự báo cháy cấp III là 1.160ha, cấp IV - cấp nguy hiểm 4.783ha và cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm là 37.639ha.
Hiện tại, mực nước tại các tuyến kênh Vườn Quốc gia U Minh Hạ dao động từ 1,8-2,1m, còn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ dao động từ 0,9-1,4m.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện mực nước dưới các tuyến kênh của lâm phần thấp hơn năm 2019 từ 0,5-0,8m, có khả năng khô cạn hoàn toàn. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngay từ đầu mùa khô năm 2019-2020, các đơn vị đã chủ động bố trí xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện toàn lâm phần có 107 chòi quan sát, trong đó có 71 chòi cố định và 36 chòi tạm thời, tại đây luôn bố trí người túc trực, quan sát 24/24.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện phát dọn đường băng cản lửa 753km; dọn kênh lưu thông 267km, ban gạt đường 31km.
Về phương tiện, các đơn vị đã trang bị 124 máy bơm, với hơn 70.000m vòi chữa cháy, xe ôtô bán tải 12 chiếc và 78 máy bộ đàm ICOM. Các đơn vị bố trí 591 người, lực lượng huy động hơn 2.600 người và thành lập 74 tổ máy bơm.
Thời gian qua, các chủ rừng (15 chủ rừng là tổ chức và 1.844 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân) đã lập kế hoạch và xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, đắp 97 cống, đập, mương rãnh giữ nước.
Hiện mực nước trên các tuyến kênh thuộc đơn vị quản lý còn trung bình 1m, nhưng đã có nhiều khu vực ở mức báo cháy cấp V. Các tuyến kênh 29-500 đang ở tình trạng dễ cháy nhất vì có diện tích đất nông nghiệp của người dân đan xen và đang vào mùa đốt đồng.
Mùa khô năm 2019-2020 đang diễn biến nhanh, tình hình rất phức tạp. Theo Ủy ban Nhân dân huyện U Minh, đến ngày 20/3, đã có hơn 36.000ha trên địa bàn bị khô hạn. Huyện cũng đã ghi nhận 1 vụ cháy rừng tại ấp 15, xã Khánh An làm thiệt hại hơn 1.670m2 rừng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời Lê Phong thông tin, đến nay, lâm phần rừng tràm của địa phương đã khô hạn gần 7.000 ha và có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Sử cho rằng mùa khô năm nay, các đơn vị được giao rừng rất nghiêm túc trong thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông tin tưởng nếu có xảy ra sự cố cháy, có thể kiểm soát được nhanh chóng.
Tại các điểm đến thăm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình ghi nhận những kết quả của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng trong những tháng qua. Ông yêu cầu các đơn vị đóng quân trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, nhanh gọn khi có tình huống xấu xảy ra.
Đoàn công tác kiểm tra công tác vận hành máy móc tại các chốt giữ rừng. (Ảnh:Huỳnh Thế Anh/TTXVN) |
Làm việc với các đơn vị quản lý rừng và lãnh đạo hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình yêu cầu các đơn vị chủ rừng và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh giác trước diễn biến khô hạn đang diễn ra phức tạp; tăng cường công tác quản lý người dân ra vào rừng, hạn chế những trường hợp ra vào rừng không cần thiết.
Trong kế hoạch phòng cháy rừng, phải theo dõi thời gian nắng hạn kéo dài thường xuyên, dự phòng phương án có thể nắng hạn diễn biến kéo dài; nghiên cứu thêm đối với phương án lắp đặt camera quan sát, cảnh báo cháy, nếu có thể thì thực hiện thí điểm một số chòi quan sát trước khi lắp đặt đại trà.
Lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cần luân phiên thường xuyên, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.