Các loài vật có nguy cơ bị tuyệt chủng có xứng đáng được quan tâm?

Để bảo tồn một loài nào đó, trước hết phải tìm được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng, xác định được tác động của con người ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định quần thể của loài và khiến các loài bị tuyệt chủng.

Nghiên cứu khoa học chỉ rõ, một loài được xem là tuyệt chủng khi không còn một cá thể nào của loài đó còn sống sót tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu như một số cá thể của loài còn sót lại chỉ nhờ vào sự kiểm soát, chăm sóc, nuôi dưỡng của con người, thì loài này được gọi là đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên hoang dã.

Trên cơ sở đó, hai khái niệm về sự tuyệt chủng đã được hình thành, đó là tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và tuyệt chủng cục bộ. Một số nhà sinh học sử dụng thuật ngữ loài bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học, điều đó có nghĩa là số lượng loài còn lại ít đến nỗi tác động của chúng không có chút ý nghĩa nào đối với các loài khác trong quần xã.

Theo đó, khi quần thể của loài có số lượng cá thể dưới mức báo động, nhiều khả năng loài sẽ bị tuyệt chủng. Ðối với một số quần thể trong tự nhiên, một vài cá thể vẫn còn có thể sống sót dai dẳng vài năm, vài chục năm, có thể vẫn sinh sản nhưng số phận cuối cùng vẫn là sự tuyệt chủng (nếu không có sự can thiệp của công nghệ sinh học).

Vì thế, để bảo tồn một loài nào đó trước hết phải tìm được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng, xác định được tác động của con người ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định quần thể của loài và khiến các loài bị tuyệt chủng.

Các loài vật có nguy cơ bị tuyệt chủng có xứng đáng được quan tâm? - Ảnh 1
Hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động thực vật quý hiếm. (Ảnh: thamhiemmekong)

Theo thống kê từ đầu thế kỷ XX, mỗi năm có một loài sinh vật bị tuyệt chủng. Trong những năm của thập kỷ 80, mỗi giờ có một loài sinh vật bị biến mất. Dự đoán trong thế kỷ tới, sẽ có khoảng 50 vạn đến một triệu loài sinh vật không còn có mặt trên Trái Đất. Rõ ràng là sự tuyệt chủng của các loài sinh vật đang gia tăng. Trên thế giới, đã có những Công ước quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Tại sao con người phải quan tâm nhiều đến các loài động thực vật sắp bị tuyệt chủng như vậy?

Mỗi loài động thực vật đều là sản phẩm của một quá trình tiến hóa rất lâu dài. Trong quá trình đó, mỗi loài đã tự tích lũy cho riêng mình những gen chống chịu với bệnh tật, với sự thay đổi khí hậu và các điều kiện sống khác. Do đó các sinh vật hoang dại đều khỏe mạnh, khó bị bệnh tật tiêu diệt và có khả năng thích nghi cao. Đó là những ngân hàng gen sống quý hiếm. Điều kiện sống thay đổi liên tục, nếu để mất đi bất cứ loài nào, thì thiên nhiên sẽ không bao giờ có thể tái tạo lại được kiểu gen riêng của loài đó.

Ngoài ra, mỗi sinh vật có một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, là một mắt xích khép kín chu trình tuần hoàn vật chất của hệ. Hệ sinh thái càng có nhiều loài, càng đa dạng thì càng bền vững. Mỗi sinh vật ẩn chứa trong mình rất nhiều bí ẩn mà hiện nay con người chưa thể khám phá hết được. Làm mất đi một loài, là con người làm cho các thế hệ sau mất đi một đối tượng để nghiên cứu, mất đi một hình mẫu lý tưởng để mô phỏng theo.

Có thể thấy, mỗi loài đều có vị trí và vai trò nhất định trong tự nhiên mà loài khác không thể thay thế được. Chính vì thế, con người cần đặc biệt quan tâm đến các loài sắp bị tuyệt chủng trên toàn thế giới.

Theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 được tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) công bố, trong vòng chưa tới nửa thế kỷ, 2/3 quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm, phần lớn là do môi trường bị phá hủy. Đây cũng là nguyên nhân góp phần lây lan các dịch bệnh liên quan đến động vật, như đại dịch Covid-19.

Báo cáo sử dụng dữ liệu 20.811 quần thể của 4.392 loài, các chỉ số Sức sống hành tinh 2020 cho thấy trung bình giảm 68% quần thể các loài được theo dõi.

"Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần phải phối hợp và hành động để cùng chặn đứng và đảo ngược xu hướng mất đa dạng sinh học và quần thể các loài hoang dã vào cuối thập kỷ này. Hành tinh chúng ta đang phát tín hiệu đỏ, cảnh báo lỗi hệ thống.

Từ các loài cá ở đại dương và sông ngòi đến loài ong vốn có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sự suy giảm ở động vật hoang dã ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng tỉ người”, Tổng giám đốc WWF cảnh báo.

Thuỳ Linh

Xem thêm

Liên kết