Một vạt rừng xanh tươi bên cạnh cánh rừng cháy trơ trọi ở Vila Nova Samuel, Brazil (Ảnh: AP) |
Tổng thống Brazil cho biết, hội nghị thượng đỉnh các nước có rừng Amazon, trừ Venezuela, vào ngày 6/9 tại thành phố Leticia, Colombia, sẽ thảo luận một chính sách chung về việc bảo vệ môi trường và khai thác bền vững trong khu vực.
Thông báo về hội nghị thượng đỉnh được Tổng thống Brazil đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Chile Sebastian Pinera trong bối cảnh rừng nhiệt đới Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi số lượng đám cháy kỷ lục.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo khẳng định những thách thức về môi trường phải được giải quyết đồng thời phải tôn trọng “chủ quyền quốc gia”. Mỗi quốc gia, cần phải kiểm soát “việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững, phù hợp với nghĩa vụ và nhu cầu về môi trường của công dân mỗi nước, bao gồm cả người thiểu số bản đị”.
Theo kế hoạch, Chile sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 vào tháng 12 năm nay.
Tại cuộc gặp này, Tổng thống Brazil Bolosonaro cũng đã chấp nhận đề xuất hỗ trợ của Chile cử bốn máy bay chiến đấu tham gia vào cuộc chiến với “giặc lửa” đang hoành hành tại rừng Amazon.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Paraguay Mario Abdo diễn ra sau đó, Tổng thống Chile Pinera đã nói về sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực để chống lại các vụ cháy rừng ngày càng phổ biến ở Nam Mỹ. Theo Tổng thống Pinera, khối Prosur mới trong khu vực có thể đóng góp cho nỗ lực này.
Cũng trong ngày 28/8, chính phủ Bolivia cho biết trong năm nay, các vụ cháy rừng đã phá hủy 1,2 triệu ha rừng và đồng cỏ ở nước này.
Còn theo một nghiên cứu được công bố bởi Quỹ Solon, một tổ chức nhân quyền và môi trường Bolivian, tổng diện tích rừng của Bolivia đã bị thu hẹp dần trong những năm gần đây, từ 47,3 triệu ha năm 2005 xuống còn 43,8 triệu ha vào năm 2017.
Tổ chức phi chính phủ Friends of Nature Foundation cho biết mức độ tàn phá rừng thực sự trong năm nay là 1,8 triệu ha.
Chính phủ Bolivia đặt kế hoạch trồng 4,5 triệu ha rừng vào năm 2030, để đáp ứng các cam kết với LHQ.
Tại Nam Mỹ, diện tích rừng Amazon nằm phần lớn tại Brazil, Peru và Colombia. Một phần nhỏ còn lại trải dài ở các quốc gia Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana và Suriname.