Bánh tro
Bánh tro hay bánh gio là loại bánh truyền thống của người Việt trong dịp Tết Đoan Ngọ, giúp cân bằng khí huyết trong cơ thể để khỏe mạnh hơn.
Bánh tro thường được làm trong dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch - Ảnh minh họa |
Nguyên liệu: Gạo nếp 500g; đỗ xanh đã bỏ vỏ 100g; đường, muối, nước tro; lá gói (lá tre bương hoặc lá chuối hoặc lá dong), dây lạt.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp ngâm với nước lạnh khoảng 5 giờ, sau đó tiếp tục cho gạo vào ngâm với nước tro trong vòng 20-22 giờ cho đến khi gạo ngấm nước tro.Vớt gạo ra rửa lại với nước cho sạch, xóc thêm ít muối, cho ra rổ để ráo nước.
Đỗ xanh ngâm với nước ấm khoảng 2 giờ, cho vào nồi hấp chín. Sau đó cho vào máy xay nhuyễn hoặc giã cho mịn. Cho đỗ lên chảo đảo cho đến khi mặt đỗ se khô lại, cho thêm đường đảo tiếp rồi bắc ra để ngội, vo thành từng viên tròn nhỏ.
Lá gói rửa sạch, trần qua nước sôi sau đó để ráo.
Bước 2: Gói bánh
Xếp chồng 2 lá lên nhau, cuốn đầu lá thành hình phễu. Dùng thìa múc 1 thìa gạo nếp, đặt 1-2 viên đỗ xanh lên trên sau đó múc 1 lần gạo nếp nữa để phủ lên đỗ. Gấp hết phần góc còn lại của lá cho kín, dùng lạt buộc chặt.
Bước 3: Luộc bánh
Đun nước sôi rồi thả bánh vào luộc, để nước ngập bánh khoảng 10 cm. Luộc bánh trong khoảng 2 giờ. Khi bánh chín, vớt ra xả dưới vòi nước lạnh rồi để ra rổ thoáng cho ráo.
Bước 4: Làm mật chấm bánh
Cho đường trắng vào chảo nóng, đun nhỏ lửa cho đến khi đường chảy thành nước màu vàng cánh gián, đặc, quánh lại là được.
Cơm rượu nếp cẩm
Rượu nếp cẩm lên men có vị ngọt của gạo nếp cẩm, vị cay cay của men rượu giúp tiêu diệt các loại sâu bọ, mầm bệnh trong cơ thể, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe cho cả gia đình.
Cơm rượu nếp cẩm là món ăn yêu thích của nhiều người - Ảnh minh họa |
Nguyên liệu: 500g gạo nếp cẩm; 1,5 cái men ngọt; Lá chuối hoặc lá sen.
Cách làm:
+ Gạo nếp cẩm đem ngâm trong nước khoảng 8-10 tiếng. Cho phần gạo đã chuẩn bị vào nồi cơm điện và thêm nước nấu như nấu cơm. Khi cơm nếp cẩm đã chín, xới ra đĩa to rồi dàn mỏng cơm để nguội.
+ Tiếp đến, men đem cạo hết lớp vỏ trấu và vỏ nâu ở bên ngoài rồi cho men vào cối giã thành bột mịn. Rắc đều men lên mặt cơm nếp cẩm đã nguội. Trộn đều men với cơm nếp cẩm rồi gói kín trong lá chuối hoặc lá sen đều được (lưu ý, bạn nên đục một vài lỗ trên lá).
+ Dùng bình hoặc thùng xốp để ủ rượu nếp cẩm. Đậy kín nắp và ủ trong 2 ngày để cơm tiết ra nhiều nước và có mùi thơm của men rượu đặc trưng.
Sau khoảng thời gian này, nếu không muốn rượu nếp cẩm lên men thêm thì có thể lấy ra cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.
Bún măng vịt
Trong ngày lễ "giết sâu bọ" ở nhiều địa phương của miền Trung, mọi người thường ăn thịt vịt.
Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người. Chính vì vậy món ăn từ thịt vịt luôn được mọi người lựa chọn trong dịp này.
Bún vịt nấu măng cho ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa |
Nguyên liệu: vịt (1 con), măng tươi, bún tươi; gừng, chanh, tỏi, hành khô; các loại rau ăn kèm: rau mùi, hành, giá,…; các loại gia vị: bột ngọt, muối, hạt tiêu, hạt nêm, dầu ăn…
Cách làm:
+ Luộc vịt với chút hành khô, gừng…cho chín sau đó chặt thành miếng nhỏ, dài vừa ăn
+ Măng luộc qua. Hành, tỏi băm nhỏ phi thơm rồi xào với măng, nêm thêm gia vị cho vừa miệng
+ Trút hết măng vừa xào vào nồi nước dùng vịt, tiếp tục nấu liu riu để giữ nóng
+ Làm nước chấm vịt: Cho gừng, ớt, tỏi và 1 muỗng đường vào cối giã thật nhuyễn, sau đó đổ ra chén. Thêm 4 muỗng nước mắm ngon vào chén cùng 1 muỗng nước cốt chanh, khuấy đều là đã có ngay chén mắm gừng đậm đà để chấm thịt vịt.
Xếp các loại rau sống ra đĩa, đặt cạnh đĩa vịt luộc và chén nước mắm gừng. Cho bún ra tô, xếp thịt vịt lên trên, múc nước dùng chan lên (múc cả măng và tiết vịt, đầu hành), rắc thêm chút hành lá, rau mùi thái nhỏ và hạt tiêu rồi thưởng thức. Ăn kèm rau sống và nước mắm gừng đậm đà.