Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Có nên cân nhắc chiều cao xây dựng?

Mặc dù trải qua nhiều lần bổ sung sửa đổi đề án, xong đến nay, việc cải tạo chung cư cũ Hà Nội vẫn đang “loay hoay” do gặp phải nhiều vướng mắc.
Cải tạo khu tập thể cũ hay chiêu thâu tóm 'đất vàng' nội đô?Hàng loạt chung cư cao cấp siết chặt an ninh ngăn chặn Covid-19Hà Nội loại Decotech khỏi dự án cải tạo tập thể Nam Thành Công

Ngày 31/8, lãnh đạo TP.Hà Nội có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng để tìm hướng đi cho nhiều vấn đề thiết thực của Thành phố, trong đó, đề cập đến việc cải tạo chung cư cũ. Về vấn đề này, trước đó Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền.

Nhiều vướng mắc

Việc cải tạo, xây dựng chung cư, nhà tập thể cũ hiện nay đang gặp phải nhiều vướng mắc khó giải quyết.

Nghị định 101/2015/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014) quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do những khúc mắc về hệ số đền bù căn hộ. Cụ thể, thay vì mức bồi thường tỉ lệ 1,0, nhiều hộ gia đình yêu cầu mức bồi thường tỉ lệ 3,0 (tức 1 m2 chung cư cũ thì bồi thường 3 m2 căn hộ chung cư mới).

Nhiều người dân cố cơi nới nhà để mong nhận được lời trong đền bù.

Điều này là một trong những nguyên nhân chính cản trở công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian qua. Do đó, theo các chuyên gia, cần phải sửa đổi một số điều khoản trong Luật Nhà ở 2014 để giúp cho việc quyết định tháo dỡ được thực hiện thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ vướng nhất vẫn là cơ chế, chính sách từ luật đến nghị định.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, giúp cho các địa phương đẩy nhanh việc cải tạo, xây lại chung cư, nhà tập thể cũ.

Đồng loạt đề xuất nâng tầng

Mặc dù trải qua nhiều cuộc khảo sát, đánh giá hiện trạng cũng như đề xuất giải pháp song nhiều dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vẫn chưa thể đi vào thực hiện do vướng mắc về cơ chế chính sách. Trong đó, đề xuất phương án nâng tầng các dự án chung cư cũ gặp phải nhiều ý kiến tranh luận.

Đơn cử như khu tập thể Kim Liên nằm trên địa bàn phường Kim Liên và Phương Mai (quận Đống Đa), một tập đoàn đề xuất điều chỉnh mật độ xây dựng toàn khu từ 25,56% lên 36,8% (chỉ tiêu quy hoạch và Quy chế cao tầng hiện nay quy định mật độ xây dựng là 25,19%). Chiều cao công trình nâng lên tối đa cao 40 tầng (quy chế là 24 tầng). Diện tích sàn xây dựng hiện trạng 219.656 m2 đề xuất nâng lên 881.500 m2.

Nhà đầu tư đề xuất quy hoạch khu tập thể cũ Kim Liên lên tối đa cao 40 tầng.

Hay Công ty CP Tập đoàn T&T – đơn vị khảo sát và lập phương án cải tạo khu tập thể Thủy Lợi cũng đề nghị UBND thành phố xem xét chấp thuận phương án 2, tức là điều chỉnh tăng chiều cao công trình tối đa 24 tầng (theo Quy chế của thành phố-PV) lên 35 tầng. Về quy mô dân số, dự án cải tạo khu tập thể Thuỷ Lợi đề xuất điều chỉnh hiện trạng từ 5.335 người lên 8.394 người.

Hiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội đã có quy định rất cụ thể về chiều cao, số tầng cho từng vị trí. Ví dụ, khu Giảng Võ tối đa là 21 tầng, chiều cao không quá 76 m và phải có giải pháp đảm bảo sự kết nối với không gian xanh; khu Hào Nam, tối đa là 21 tầng, chiều cao tối đa 76 m.

Việc đề xuất tăng số tầng tại các dự án chung cư cũ sẽ góp phần nâng cao hệ số đất đai, tiết kiệm được quỹ đất song thực tế khó có thể áp dụng, bởi hầu hết các khu tập thể cũ đều nằm ở khu vực nội đô, còn được gọi là các khu “đất vàng”, do vậy sẽ có hạn chế về chiều cao của các toà nhà.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, Hà Nội cần có đột phá, điều chỉnh tầng cao để giảm mật độ xây dựng, đồng thời nghiên cứu lập Hội đồng Kiến trúc để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực này.

Bích Thủy
Bích Thủy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường