Cần xem xét lại các quy định về quỹ đất, khu vực làm nhà xã hội

Đây là một trong những nội dung tham luận tại Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra chiều nay, 15/9.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do VUSTA tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch, Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS, đã có những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Một trong những nội dung đáng chú ý được bà Nguyễn Hồng Hạnh đề xuất, là việc xem xét lại các quy định về quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các khu dự án nhà ở thương mại.

Cần xem xét lại các quy định về quỹ đất, khu vực làm nhà xã hội - Ảnh 1
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch, Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS.

Cụ thể, bà Nguyễn Hồng Hạnh lấy ví dụ: Dự án trong khu đô thị loại đặc biệt, loại 1, quy định dự án từ 2 ha trở lên phải dành 20% quỹ đất để làm nhà xã hội ngay trong khu dự án là không hợp lý (trước đây đóng bằng tiền). Do tính chất của nhà xã hội khác với tính chất của nhà thương mại, vì vậy cần phải quy hoạch riêng biệt mới hợp lý. Nguyên nhân là do quy hoạch đô thị theo phân khúc thị trường, có thu nhập khác nhau thì ở những khu vực khác nhau phù hợp với thu nhập của họ.

Nhà ở xã hội nên xây khu riêng sẽ giảm được chi phí hạ tầng cho nhà đầu tư và người lao động. Đồng thời giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong kế hoạch 5 năm và hàng năm.

Về vấn đề xử lý tro, xỉ thải, bà Hạnh cho biết, theo như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đưa ra cảnh báo: "Tro xỉ nếu không được sử dụng, dự kiến đến 2030, chúng ta sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Đấy là con số khủng khiếp và tại sao tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than chưa được sử dụng nhiều, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là: Chúng ta vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm được vấn đề này. Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cả người sản xuất cũng như người sử dụng đều gặp vướng mắc”.

Về lâu dài phải giải quyết được vấn đề chất lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than, có thể sử dụng tốt cho sản xuất vật liệu xây dựng. Kính đề nghị Chính phủ có những chính sách và giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư xử lý tro, xỉ thải, sản xuất cấu kiện xây dựng tiền chế, vì đây là vấn đề môi trường cấp thiết phải được xử lý nhanh, đồng thời việc cấp đất cho DN cần nhanh và hiệu quả hơn vì hiện nay theo quy trình còn rất chậm.

Đối với khu thiết chế công đoàn: Cần quy định rõ hơn về quỹ đất thương mại 20% để nhà đầu tư được sử dụng xây dựng nhà ở Thương mại; phương pháp tính toán cần rõ ràng 20% trên tổng diện tích đất xây dựng nhà ở (tuy nhiên trên văn bản không định nghĩa thế nào là "tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở" trong thực tiễn đã nhiều địa phương có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về nội dung này nhưng chưa được giải quyết triệt để).

Về chính sách tài chính: Tại Nghị định 49 đang quy định mức lãi suất vay vốn mua nhà không cao hơn 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại. Tôi xin đề xuất bổ sung chính sách huy động vốn dài hạn cho hoạt động phục vụ đầu tư xây dựng cho người mua nhà ở xã hội, công nhân mua nhà tại các khu thiết chế công đoàn không vượt quá 40% lãi suất cho vay bình quân của các NHTM bởi công nhân có thu nhập thất và hoàn cảnh khó khăn.

Hội nghị cũng ghi nhận tham luận của TS. Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.

Cần xem xét lại các quy định về quỹ đất, khu vực làm nhà xã hội - Ảnh 2
TS. Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.

Theo TS. Lê Xuân Thảo, đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc được Đảng, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có đóng góp quan trọng của trí thức KHCN thuộc VUSTA - một tổ chức chính trị - xã hội với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN rộng lớn nhất Việt Nam.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của VUSTA, Quỹ VIFOTEC và các Liên hiệp Hội địa phương, các Bộ, ngành đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, 17 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc, 17 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ chỉ đạo Quỹ VIFOTEC, Liên Hiệp hội của 63 tỉnh, thành phố nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi; Đẩy nhanh ứng dụng có hiệu quả các công trình đoạt giải vào sản xuất, đời sống và an ninh quốc phòng; Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi để mọi người dân thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp thi đua sáng tạo, hiến kế cho đất nước. Ban tổ chức Giải thưởng cấp quốc gia ở Trung ương và các địa phương sẽ đổi mới và cải tiến cách để các công trình KH&CN của các nhà sáng tạo sớm ứng dụng nhanh vào sản xuất và nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống người dân, cũng như công cuộc bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.

Linh Chi

Xem thêm

Liên kết