Vinalines yêu cầu Cảng Quy Nhơn hoãn ĐHCĐ thường niên để bàn giao 31 triệu cổ phần QNP
Ngày 9/4, CTCP Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cổ đông về việc hoãn tổ chức ĐHCĐ thường niên, dự kiến họp vào ngày 10/4.
Hội đồng quản trị đã quyết định hoãn cuộc họp này sau khi xem xét công văn của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị tạm dừng để chuẩn bị cho công tác bàn giao 75,01% cổ phần theo kết luận Thanh tra Chính phủ. Việc chuyển giao cổ phần này phải hoàn tất ngay trong tháng 4.
Trước đó, ông Bùi Ngọc Lam – Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, kết luận thanh tra trong vụ bán cổ phần Cảng Quy Nhơn trái luật đang được các cơ quan liên quan tiến hành khẩn trương.
Năm 2013, Cảng Quy Nhơn chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,1% cổ phần, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%. Trong giai đoạn 2013-2015, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã mua trọn cổ phần thoái vốn của nhà nước với giá chỉ 440 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, trong đó, chỉ rõ Bộ GTVT đã bán trái phép cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Trong cuộc họp về cổ phần hoá DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu điển hình Cảng Quy Nhơn xảy ra bất cập, vi phạm trong công tác cổ phần hoá. “Cảng Quy Nhơn lớn như vậy, bán một cảng lớn mà như cho không” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, Cảng Quy Nhơn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỷ đồng. Chưa kể hàng trăm nghìn m2 đất nhà xưởng, kho bãi, hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải… là những tài sản giá trị lớn. Thế nhưng, trước khi cổ phần hoá, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng và nhanh chóng được bán cho CTCP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (có trụ sở tại Hà Nội).
Sau thanh tra, Bộ GTVT đã thu hồi 2 văn bản trước đây có nội dung không đúng với quy định nhà nước về cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn. Bộ cũng chỉ đạo Vinalines trực tiếp làm việc với đại diện với cổ đông tại Cảng Quy Nhơn. Theo đó, các bên đã cơ bản thống nhất tiến hành các thủ tục chuyển giao lại hơn 75,01% cổ phần trước đây Nhà nước thoái vốn và thu hồi về cho Nhà nước.
Phó thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ GTVT cùng Vinalines khẩn trương tiếp nhận, tiến hành thủ tục pháp lý đăng ký lại số cổ phần và chuyển sang Nhà nước nắm giữ. Các bộ ngành tập trung xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm khẩn trương, minh bạch và đúng quy định.
Theo tài liệu gửi cổ đông, Cảng Quy Nhơn cho biết, trong năm 2018 CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (do ông Lê Hồng Thái làm Chủ tịch HĐQT) đã chuyển toàn bộ hơn 31 triệu cổ phiếu (chiếm 78,03% cổ phần QNP) cho giám đốc công ty này.
Về hoạt động kinh doanh, Cảng Quy Nhơn cho biết doanh thu năm 2018 tăng trưởng cao đạt 728,5 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 120,1 tỷ đồng, tăng 28%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đạt hơn 8,3 triệu tấn, tăng vượt 8% so với kế hoạch.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu nâng sản lượng hàng thông qua cảng lên hơn 8,8 triệu tấn, tổng doanh thu 767 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng.
Dự kiến, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ năm 2019 xem xét thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng lên mức 538,79 tỷ đồng ngay trong năm nay. Hình thức tăng vốn là Cảng Quy Nhơn sẽ phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.
Cùng với việc tăng vốn, HĐQT Cảng Quy Nhơn cũng trình đại hội cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu QNP trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) trong năm 2019.
Được biết, Cảng Quy Nhơn đã có kế hoạch tăng vốn điều từ năm 2018 nhằm đầu tư dự án mở rộng cảng Quy Nhơn về phía thượng nguồn. Nhưng đến nay, do dự án chưa được phê duyệt nên kế hoạch tăng vốn khó khả thi.
Hải Nam