Cảnh báo hàng loạt tài khoản ngân hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền - Ảnh minh họa. |
Đầu tháng 12/2018, một khách hàng tại quận Tân Bình, TP.HCM bị mất gần 32 triệu đồng trong tài khoản tại Vietcombank. Sau tra soát, ngân hàng cho biết khách hàng này đã bị đánh cắp thông tin thẻ và mật khẩu, dẫn đến việc kẻ gian lợi dụng làm thẻ giả để thực hiện giao dịch rút tiền tại các cây ATM của ngân hàng Vietinbank và Techcombank. Ngân hàng đã bồi hoàn toàn bộ số tiền bị mất cho khách hàng.
Chị Đỗ Thị Nga (ở Hà Nội) cho biết ngày 10/8 chị đặt lệnh chuyển 2 triệu đồng từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) sang Shinhan Bank. Đến ngày 11/8, một nhân viên VPBank xưng là Trần Công Thành, Phòng giao dịch Đông Hà Nội, gọi điện báo giao dịch bị lỗi, yêu cầu chị Nga đọc số dư tài khoản và mật khẩu OTP. “Vừa đọc xong thì tài khoản của tôi bị trừ mất 2,5 triệu đồng, tin nhắn báo đã giao dịch tại Merchant VNPT Epay”, chị Nga nói và cho biết bản thân không thực hiện giao dịch gì, tại sao trong khi lệnh chuyển 2 triệu đồng chưa thực hiện, tài khoản lại “bốc hơi” mất 2,5 triệu đồng?
Ngân hàng VPBank cũng vừa đồng loạt gửi email khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin dành cho chủ thẻ để tránh bị lợi dụng. Theo đó, chủ thẻ không tiết lộ thông tin thẻ hay số PIN cho người khác; Che bàn phím khi thực hiện giao dịch tại máy ATM/POS và các thiết bị thanh toán thẻ khác.
Theo khuyến cáo của ngân hàng này, người dùng nhớ lấy lại thẻ sau mỗi giao dịch tại cửa hàng, không đưa thẻ cho thu ngân mang thẻ đi nơi khác quẹt thẻ.
"Tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ, thông tin mã giao dịch gửi qua điện thoại hoặc email (OTP) từ các đối tượng khả nghi hoặc chưa được xác thực như: Thư điện tử lạ, cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng, đối tác của ngân hàng; Tin nhắn từ người thân, bạn bè qua các trang mạng như facebook, zalo, viber…", VPBank nhấn mạnh. |
Tại Kon Tum, ngày 23/8, Công an huyện Ngọc Hồi cũng cho hay đơn vị này đang tiến hành thụ lý đơn trình báo của ông Võ Đình H., kinh doanh, mua bán đồ gỗ trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, ngày 11/8 có một tài khoản Facebook tên Khánh Trần nhắn tin mua của ông H. một tượng gỗ giá 4,5 triệu đồng và chuyển khoản vào tài khoản của ông H. Đối tượng ngụy tạo một tin nhắn giả mạo từ đầu số SMS info nhắn tới số điện thoại ông H. với nội dung: “STK 5103205110...+ 4.500.000, vui lòng ấn vào đường link: http://westerunionquoctebank247.weebly.com để nhận số tiền trên”.
Ngoài việc giả mạo cán bộ, hiện nay kẻ gian có nhiều thủ đoạn lừa đảo khác, như tiếp cận làm quen để tạo lòng tin, sau đó nhờ mở tài khoản/thẻ, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và mua lại với giá cao nhằm sử dụng vào mục đích lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền; hoặc giả danh người thân, bạn bè, khách hàng; hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện thông báo tài khoản bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, Techcombank cũng từng cảnh báo khách hàng khi phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tiền rất tinh vi bằng cách giả mạo kênh thanh toán Western Union. Theo đó, kẻ gian đã gửi tin nhắn giả mạo Techcombank cho khách hàng với nội dung như "khách hàng đã nhận được tiền từ dịch vụ chuyển tiền Western Union" hoặc các dịch vụ tương tự, sau đó yêu cầu khách hàng đăng nhập vào website giả mạo để xác nhận.
Techcombank cảnh báo lừa đảo đánh cắp tiền tài khoản - Ảnh minh họa. |
Kẻ gian đã thu thập được thông tin về mật khẩu, mã OTP khi khách hàng đăng nhập và cung cấp thông tin tại website giả mạo. Techcombank cho biết ngân hàng này chỉ có 2 cổng dịch vụ Internet Banking duy nhất tại https://ib.techcombank.com.vn và F@st Mobile. Đồng thời khuyến cáo khách hàng không làm lộ thông tin khi đăng nhập Username, Password, mã PIN, OTP vào bất kỳ website, ứng dụng nào khác ngoài 2 cổng dịch vụ trên.
Trước tình trạng khách hàng liên tục tố bị “bốc hơi” tiền trên thẻ, tài khoản, nhiều ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng cảnh báo việc sử dụng ngân hàng điện tử, đồng thời phải bồi thường lại tiền cho chủ tài khoản.
Do đó, các ngân hàng khuyến cáo người dùng thay đổi mật khẩu cứ 3 tháng đổi một lần, không lưu lại mật khẩu trên các trang thương mại điện tử sau khi đã giao dịch thanh toán; không ghi mật khẩu ra giấy và để lộ thông tin… Đồng thời, khách hàng cài đặt mật khẩu có độ an toàn cao cho thiết bị: phải có đủ chữ cái, số và ký tự đặc biệt. Không nên sử dụng mật khẩu ngân hàng điện tử có chứa các ký tự như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe… của chủ tài khoản.
Đặc biệt, khách hàng cần thận trọng khi truy cập vào các đường link hoặc mở các file không rõ nguồn gốc; cần kiểm tra kỹ đường link khi đăng nhập Internet Banking do các trang lấy cắp thông tin thường có địa chỉ rất giống.