Gần đây, tại bãi biển Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhiều người chạm phải sứa dẫn đến nổi mẩn ngứa.
Cơ quan chức năng huyện Phú Vang đã vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân bị nổi mẩn ngứa khi tắm ở bãi biển Thuận An là do khoảng thời gian này sứa lửa phát triển mạnh trôi dạt vào bờ. Bên cạnh đó, một phần do tảo, bèo theo luồng nước trôi dạt vào bờ biển. Nhiều người dân và du khách tắm biển nổi mẩn ngứa do vô tình chạm phải sứa lửa hoặc chạm vào tảo, bèo đang trôi dạt vào bờ.
Sứa biển cắn có thể gây sốc phản vệ khi tắm biển mùa du lịch. Ảnh minh họa. |
Đại diện BQL bãi biển Thuận An cho biết: "Hằng năm, cứ đến thời điểm tháng 6 là bãi biển Thuận An lại xuất hiện sứa lửa. Thời tiết năm nay thuận lợi nên sứa lửa phát triển mạnh và lâu hơn mọi năm".
Tương tự, hồi tháng 6/2019, nhiều người đi tắm tại bãi biển Nha Trang, lúc về nhà, không chịu được cảnh ngứa khắp cơ thể nên phải mua thuốc điều trị, thậm chí có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện để theo dõi.
Còn theo thống kê của Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có trên 50 khách du lịch bị sứa cắn được nhân viên y tế sơ cứu, bôi thuốc. Phần lớn, các trường hợp này do tiếp xúc với sứa khi tắm biển với các dấu hiệu ngứa, đau rát, đỏ vùng da.
Còn tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân từ 20 đến hơn 30 tuổi đến điều trị sứa cắn. Tuy nhiên, người bệnh đến khám không biết do sứa cắn, chỉ khi bác sĩ khai thác bệnh sử, người bệnh mới nhớ đã chạm vào sứa trong lúc bơi lội.
Các bệnh nhân đều bị sứa cắn ở chân, có người bị một hai vết cắn, nhưng có người phải chịu nhiều vết thương rải rác toàn thân. May mắn, tất cả trường hợp chỉ bị viêm da, sưng tấy, không ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng khác, nên được bác sĩ kê toa thuốc uống, thuốc bôi để điều trị ngoại trú.
Bệnh viện Da Liễu TP HCM khuyến cáo khách du lịch, mùa hè, ngoài việc cảnh giác bị kích ứng, nhiễm trùng da do côn trùng đốt, người dân cũng nên cẩn thận với sứa cắn khi tắm biển. Sứa có thể gây viêm da tiếp xúc, viêm da kích ứng, có những trường hợp có thể gây phù nề ở nơi tiếp xúc sứa, thậm chí nhiều cơ quan khác gây khó thở, mệt mỏi.
Thường những vết sứa cắn sẽ có biểu hiện giống như viêm da kích ứng. Đầu tiên, vết cắn chỉ đau, đỏ ửng, rộp mụn nước, còn nặng hơn sẽ gây viêm sâu, nhiễm trùng. Một số ít trường hợp dẫn đến nhiễm trùng nặng, phù nề đường thở, gây khó thở, mệt mỏi, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị choáng, nhức đầu, suy hô hấp.
Do đó, khi bị sứa cắn phải rời khỏi vùng nước có sứa, rửa vết thương bằng nước ấm, thoa thuốc tại chỗ để giảm sưng, đỏ, giảm viêm. Quan sát vết thương, nếu toàn thân bị đỏ, đau nhiều nơi, ngứa ngáy liên tục không dứt phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được khám kỹ hơn, lấy ra những tua sứa còn sót, kết hợp điều trị chuyên môn.
Không nên chườm đá, đắp kem đánh răng, chà cát ở bãi biển, hay sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng vì có thể sẽ làm vết thương nhiễm trùng nặng nề hơn.