Là một người có thói quen mua hàng trên mạng, cách đây ít lâu chị Hồ Thủy ở thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đặt mua túi xách của một shop trên Facebook. Theo như cam kết, chị Hồ Thủy đặt cọc trước cho shop 2 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. Sau 3 đến 5 ngày sẽ nhận được hàng và thanh toán nốt số tiền còn lại. Tin tưởng vào người bán, chị ra ngân hàng chuyển khoản vào tài khoản Nguyễn Chí Thịnh, Ngân hàng BIDV thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, sản phẩm chị đặt mua vẫn không thấy đâu.
Ảnh minh họa |
Mua hàng trên mạng, nhiều khi tiền mất tật mang
“Đến ngày nhận hàng, mình nhắn tin không được, gọi điện không thấy đâu, nhắn tin qua facebook thì bị chặn luôn. Lên trên các diễn đàn của các mẹ bán hàng online mới thấy là đó là trang mạng lừa đảo và họ cũng đã lừa được nhiều người. Chỉ có số điện thoại và số tài khoản là chính chủ. Còn lại địa chỉ cửa hàng thay đổi lung tung”- Chị Hồ Thủy chia sẻ.
Lừa đảo thông qua yêu cầu mua thẻ điện thoại cũng là một dạng lừa đảo phổ biến. Giữa năm 2017, anh Chu Xuân Mạnh ở quận Hoàn Kiếm Hà Nội đã bị một đối tượng mạo nhận là người thân liên hệ qua facebook nhờ mua giúp thẻ điện thoại tương đương 500 USD, lý do là họ đã đặt hàng trên mạng và họ đòi thanh toán bằng thẻ điện thoại để đăng ký nhận hàng về Việt Nam.
“Trên tin nhắn facebook hiện lên hình ảnh bà chị gái ở nước ngoài gọi về nói chuyện với nhau. Lúc đó tôi cũng nghĩ bà chị cần tiền thật, chỉ nhanh chóng gửi qua thẻ cào để chuyển cho chị mấy triệu. Quá trình chuyển mấy triệu lại tiếp tục đòi thêm. Lúc đó mình cũng nghi nghi, nhưng đang vội nên cũng cào cho xong. Khi gọi điện sang không thấy tín hiệu mới biết bị lừa”.
Câu chuyện của chị Hồ Thủy và anh Chu Xuân Mạnh không phải là hiếm, đã có nhiều nạn nhân của nạn lừa đảo qua mạng dưới hình thức chuyển khoản, đặt cọc mua hàng, hay mất tiền chuyển khoản cho “trai Tây” mới quen trên mạng....
Cụ thể, khoảng cuối năm 2018, Công an tỉnh Bến Tre tiếp nhận đơn của một phụ nữ tên Đ.T.H.P. (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc) trình báo việc bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook số tiền 6,2 tỉ đồng. Theo đơn trình báo của bà P., hơn một năm trước bà quen biết một người đàn ông nước ngoài xưng tên là Daniel Henry (quốc tịch Hoa Kỳ). Khoảng tháng 8/2018, Daniel Henry hứa sẽ gửi về cho bà P. số tiền 550.000 USD (khoảng 13 tỉ đồng). Tin lời người đàn ông này, bà P. liên tiếp chuyển số tiền lên đến 6,2 tỉ đồng để “lót tay” cho những người tự xưng là nhân viên sân bay, thủ kho sân bay, hải quan...
Cũng bằng hình thức này, cách đây không lâu, 4 người phụ nữ ở Hải Phòng, cũng bị một đối tượng giả danh người nước ngoài lừa trên 3 tỉ qua hình thức tặng quà trên mạng.
Có thể nói, lòng tin vẫn là yếu tố chủ chốt trên các trang mạng xã hội, cộng thêm yếu tố thiếu cảnh giác với các đối tượng lừa đảo. Thế nên, sau khi bị lừa, nhiều nạn nhân cũng chỉ tặc lưỡi cho qua, coi như số mình đen. Nhiều người còn xấu hổ không dám báo cơ quan chức năng và coi đó là bài học cho bản thân.
Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng đội Điều tra trọng án, phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội cho biết, thời gian qua, CATP Hà Nội đã thụ lý nhiều vụ án lừa đảo trên mạng. Đặc biệt, trong các vụ án này không chỉ người thiếu hiểu biết về pháp luật mà còn có cả trí thức.
Lòng tin, thiếu hiểu biết tạo điều kiện cho lừa đảo
Trung tá Lê Minh Hải cho biết, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo trên mạng thường dùng là gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm, thiếu nợ Ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản... khi bị hại trả lời là không có việc trên thì đối tượng hướng dẫn nối máy cho bị hại nói chuyện với cán bộ các Cơ quan công an, VKS, Tòa án để trình báo,… Đến lúc này, đối tượng tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án như: Buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia,.. và đã có Lệnh bắt của VKSND tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản Ngân hàng.
“Các đối tượng yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ điều tra, VKS, TAND và không được kể cho người khác việc đang làm việc với Cơ quan pháp luật. Để người bị hại tin tưởng, sau đó, các đối tượng này dùng lời lẽ đe dọa để bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định theo yêu cầu của các đối tượng”- Trung tá Lê Minh Hải nói.
Bên cạnh đó, một thủ đoạn phổ biến nữa mà các đối tượng hay dùng là tập trung vào nhóm phụ nữ độc thân, thiếu thốn tình cảm. Làm quen xong, các đối tượng này tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế, quân nhân, sinh sống tại nước ngoài, … Các đối tượng thông báo gửi các món quà giá trị lớn, sau đó giả mạo các đơn vị vận chuyển, tạo lập các trang web giả mạo có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển cho người bị hại tự kiểm tra để tin tưởng.
“Chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyển tiền để nộp phí nhận hàng, sau đó, các đối tượng tiếp tục thông báo trong bưu kiện có số lượng tiền lớn, yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để mua giấy chứng nhận khoản tiền trong bưu phẩm không phải tiền vi phạm pháp luật, tiền tài trợ khủng bố để chiếm đoạt”- Trung tá Lê Minh Hải chia sẻ thêm.
Đối với các tài khoản chiếm đoạt trên mạng xã hội (chủ yếu là tài khoản facebook, tập trung vào những người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại nước ngoài), Trung tá Lê Minh Hải cho biết, chúng sẽ nhắn tin nhờ bạn bè người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, số điện thoại, sau đó gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền chứa các đường link website giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài.
Các website giả mạo này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như ID, mật khẩu tài khoản InternetBanking, tên, số thẻ… Sau khi có thông tin Internetbanking, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng,...
Theo Trung tá Lê Minh Hải, nếu người dân rơi vào các trường hợp trên phải bình tĩnh, thông báo ngay cho người thân và Cơ quan Công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có, tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, trong các trường hợp cần thiết, nếu người dân rơi vào các hoàn cảnh trên thì bình tĩnh, chủ động ghi lại các thông tin về đối tượng, hoặc do đối tượng cung cấp như số điện thoại gọi đến, thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng,…để cung cấp cho Cơ quan Công an tổ chức xác minh.
Cùng với đó, người dân nên cảnh giác khi kết bạn với những người lạ trên các mạng xã hội, với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng... Không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác,...
Theo điều 101 Bộ Luật Tố tụng Hình sự công dân có thể tố giác tội phạm với vơ quan điều tra Viện Kiểm sát , Tòa án hoặc với các cơ quan khác. Do vậy, khi phát hiện lừa đảo người dân có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan CSĐT, cơ quan quận huyện nơi người đó cư trú. Nếu không xác định được nơi cư trú của người đó, người dân có thể làm đơn tố cáo công an quận huyện nơi mình cư trú. Đơn tố cáo cần trình bày rõ nội dung sự việc, và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở như nội dung tin nhắn trên điện thoại, qua facebook, số điện thoại, ....Tùy tính chất, mức độ, hành vi lừa đảo người chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự hoặc xử lý hành chính theo Nghị định số 167 -2013 của CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội. |