Cảnh giác với vi khuẩn Whitmore lan rộng bất thường

Cục Y tế dự phòng cho biết, các bác sĩ cần cảnh giác với căn bệnh Whitmore, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện giống với bệnh.
Điều trị thành công cho 1 trẻ nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' WhitmoreWMO cảnh báo nhiệt độ trái đất cao hơn mức bình thườngCảnh giác với bệnh tay chân miệng ở trẻ em mùa tựu trường

Vi khuẩn Whitmore đang lan rộng

Thời gian gần đây, liên tiếp phát hiện ra nhiều ca bệnh Whitmore khiến người dân lo lắng. Mới đây, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 1 tháng có tới 4 bệnh nhân tử vong vì bệnh Whitmore, đến nay, đã có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh được phát hiện tại một số địa phương trong cả nước như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, Yên Bái.

canh giac voi vi khuan whitmore lan rong bat thuong
Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Bệnh Whitmore có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện.

GS Kính cũng cho biết, bản chất của vi khuẩn Whitmore không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi.

“Virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, hoặc bệnh lao khiến cho các bác sĩ nhầm lẫn về chẩn đoán. Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động”- GS Kính nêu rõ.

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh Whitmore phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học. Những năm qua, Việt Nam đã phát triển được bộ KIT để chẩn đoán bệnh Whitmore được tốt hơn, vì vậy đã phát hiện được nhiều ca bệnh hơn.

Tuy nhiên, quá trình điều trị cho bệnh nhân Whitmore hết sức khó khăn do phải sử dụng kháng sinh tấn công liều cao trong ít nhất khoảng 2 tuần và sau đó duy trì tiếp tục từ 3 đến 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ, bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong.

Đừng nghĩ căn bệnh đã bị “lãng quên” không có nguy cơ bùng phát trở lại

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bệnh Whitmore không phải là bệnh hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn”. Vi khuẩn Whitmore luôn có trong bùn đất, vì vậy những người nào không có miễn dịch đủ mạnh thì rất dễ mắc bệnh. mới có thể gây bệnh.

Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7 đến tháng 11. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Cục đang tiếp tục theo dõi thông tin về các ca bệnh Whitmore. Căn bệnh này chủ yếu liên quan đến vấn đề vệ sinh, đất, cát, do xây xước mà nhiễm phải. “Chúng tôi khuyến cáo người dân đề phòng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt khi cơ thể có vết thương hở, trầy xước tránh để chỗ trầy xước tiếp xúc bùn đất. Khi có những biểu hiện viêm nhiễm phải đi khám để được điều trị kịp thời”- ông Đặng Quang Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, mặc dù bệnh Whitmore đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh, thậm chí đã có những ca tử vong. Vì vậy, đây là một vấn đề bất thường, cần phải được chú ý.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này. Hiện, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, do đó, điều quan trọng là tập trung vào việc phát hiện ca bệnh và điều trị các ca bệnh theo đúng phác đồ. Ông Đặng Quang Tấn cũng cho rằng, các bác sĩ trong bệnh viện cũng cần cảnh giác với căn bệnh Whitmore, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện giống với bệnh. “Chúng ta đừng nghĩ rằng căn bệnh đã bị “lãng quên”, bệnh ít gặp thì không có nguy cơ bùng phát trở lại” - ông Tấn nói.

Theo T.H/VOV
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường