Đền bù thiếu minh bạch
Trong đơn thư người dân cho biết, từ năm 1979, nhiều hộ dân tộc Mông ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng tới sinh sống lập nghiệp tại huyện Bảo Lâm. Tại đây, họ đã khai hoang, vỡ đất để lập nghiệp. Phần đất này được người dân canh tác ổn định, lâu dài, không có tranh chấp. Tuy nhiên, năm 2017, công trình thủy điện Mông Ân triển khai trên địa bàn với mức đền bù quá thấp. Qua quá trình thương lượng, chủ đầu tư đã hỗ trợ bền bù thêm, nhưng quá trình hỗ trợ đền bù rất thiếu minh bạch.
Công trình thủy điện Mông Ân thi công khi chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. |
Cụ thể, sau nhiều lần đầu tranh của người dân, chủ đầu tư đã hỗ trợ thêm người dân. Ví dụ, ông Đào Văn Thanh, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm ban đầu phương án đền bù là 29, 4 triệu đồng. Sau đó, ông được chủ đầu tư hỗ trợ 110 triệu đồng. Ông Lý Kiềm Phìn phương án đền bù ban đầu là hơn 14 triệu nhưng sau đó, chủ đầu tư đã đưa cho ông 450 triệu đồng. Còn ông Phùng A Lý phương án ban đầu chỉ 41 triệu nhưng cuối cùng ông nhận được 880 triệu…
Điều đáng nói, việc hỗ trợ đền bù này diễn ra thiếu minh bạch. Các hộ dân cho biết, khi lên nhận tiền họ đều ký vào nhiều giấy tờ khác nhau nhưng không được giữ bất cứ giấy tờ gì. Khi đưa tiền, chủ đầu tư cũng đề nghị người dân giữ kín thông tin hỗ trợ đền bù. Ai được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.
Thế nhưng, trên thực tế hiện nay tại khu vực lòng hồ thủy điện Mông Ân vẫn còn một số hộ dân chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ vì chưa thống nhất mức đền bù với chủ đầu tư.
Anh Hoàng Văn Tài ở thị trấn Pác Miầu một trong những hộ dân chưa nhận đền bù phản ánh: “Tôi chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ vì không đồng ý với mức đền bù, hỗ trợ mà chủ đầu tư đưa ra. Hơn nữa, cách làm của chủ đầu tư không rõ ràng khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Anh Hoàng Văn Tài bức xúc nói về việc thi công của công trình. |
Còn anh Hoàng Văn Nùng ở xã Nam Quang bức xúc cho biết: “Hiện nay, chúng tôi không đồng ý mức đền bù hỗ trợ của chủ đầu tư. Hơn nữa, khi chúng tôi chưa thống nhất thì ngày 16/8/2019, chính quyền huyện Bảo Lâm lại đưa lực lượng chức năng đến bảo vệ thi công. Chúng tôi thấy đây là việc làm vô lý vì người dân không có bất cứ một cản trở nào đối với công trình thi công mà chỉ đòi hỏi quyền và lợi ích chính đáng trên phần đất của mình. Điều đáng nói, sau khi chính quyền đưa lực lượng chức năng vào can thiệp, không hiều vì lý do gì, chủ đầu tư đã “ép” người dân nhận một mức đền thấp hơn mức đã thỏa thuận trước đó”.
Nhiều khuất tất
Theo đơn thư của người dân, công trình thủy điện Mông Ân không chỉ đền bù không thỏa đáng mà còn bộc lộ nhiều khuất tất. Cụ thể, theo khoản 2, điều 13, thông tư 43/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện (thông tư 43) về yêu cầu đối với chủ đầu tư dự án thủy điện như sau: “Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án: Nhà đầu tư phải đảm bảo vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 30% tổng mức đầu tư dự án và được các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay phần vốn đầu tư còn lại. Nhà đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 của Thông tư này về kế hoạch bố trí các nguồn vốn đầu tư dự án, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện dự án”.
Thế nhưng, tại quyết định số 2019/QĐ –UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh Cao Bằng Quyết định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Mông Ân, tổng số vốn đầu tư của dự án là 912,073 tỷ đồng, vốn chủ đầu tư là 182,4 tỷ đồng (gần 20%). Tiếp đó, ngày 10 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định 259/QĐ – UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Mông Ân thì tổng vốn đầu tư dự án là 916,48 tỷ đồng; trong đó vốn của chủ đầu tư là 229,12 tỷ (25%).
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thông tin, sở dĩ thông tư 43 quy định nhà đầu tư phải đảm bảo 30 % tổng mức vốn đầu tư, để đảm bảo tính khả thi của dự án. Nếu dưới 30% phải có báo cáo với đơn vị cấp phép đầu tư. Còn công trình Thủy điện Mông Ân đã báo cáo chưa thì không rõ?
Không chỉ khúc mắc về năng lực của nhà đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng có nhiều điểm chưa được làm rõ. Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 15 Thông tư 43 việc lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện phải đảm bảo, tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và các quy định có liên quan khác.
Thế nhưng lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lại cho rằng, dự án thủy điện Mông Ân, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư nên không cần thông qua thủ tục đấu thầu. Còn ông Đỗ Đức Quân cho biết, theo quy định trước đây, nếu có nhiều nhà đầu tư phải tổ chức đấu thầu.
Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Trọng, Giảng viên bộ môn Đất đai, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Công ty cổ phần xây lắp điện 1 (công ty tư nhân) thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng thương mại thì việc lựa chọn chủ đầu tư phải được thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2013. Nếu công ty cổ phần xây lắp điện 1 không được xác định là chủ đầu tư thông qua hoạt động đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất sẽ làm thất thoát lợi ích lớn đối với Nhà nước, đối với xã hội.
Một vấn đề nữa cần làm rõ là quy trình thu hồi đất của huyện Bảo Lâm chưa hợp lý. Trong khi chính quyền chưa thực hiện việc thu hồi đất xong đã triển khai đầu tư dự án. Thực tế, công trình Thủy điện Mông Ân được khởi công từ năm 2017. Thế nhưng, phải đến tháng 5/2019, người dân mới nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Bảo Lâm. Tất các quyết định này đều ghi ngày 10/1/2019. Người dân đặt ra nghi ngờ, phải chăng ban đầu vùng lòng hồ của dự án này không thuộc diện nhà nước thu hồi đất mà cần có sự thảo thuận giữa doanh nghiệp với người dân?
Có thể nói, những khúc mắc về năng lực cũng như quy trình đầu tư xây công trình thủy điện Mông Ân là những điều đang cần được làm rõ. Đồng thời, chính quyền cũng như chủ đầu tư cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ đền bù người dân nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.