Tại nước ta, nhiều đô thị lớn đang rơi vào tình trạng quá tải, với mật độ nhà cao tầng tăng chóng mặt, hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Nhiều tuyến đường của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chật cứng bởi các cao ốc chen nhau mọc lên, như: Đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương (Hà Nội); đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (TP Hồ Chí Minh)...
Theo báo cáo giám sát đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.
Một trong những nguyên nhân được Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Hiện trên cả nước có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh lên tới hơn 5 lần.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xác định là có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ đứng đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%. Riêng TP Hồ Chí Minh, từ 1/7/2014 đến hết 2018, có 181 dự án phải điều chỉnh quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch thường tập trung ở các địa phương có bất động sản tăng trưởng nóng, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…
Khu đô thị Linh Đàm là điển hình trong việc phá vỡ, băm nát quy hoạch. |
Về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, mỗi lần quy hoạch được điều chỉnh sẽ theo xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng. Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, cùng với đó tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn không thể khắc phục được.
Theo ông Vượt, việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất là băm nát quy hoạch, chậm tiến độ gây lãng phí, thất thu ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác.
"Hiện nay, cử tri ở đô thị nói riêng, cả nước nói chung đều kỳ vọng các trụ sở cũ, cơ quan của nhà nước đã di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận" - vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, có những khu vực được quy hoạch rồi, đã tiến hành xây dựng, nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên nhiều lãnh đạo địa phương đã đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân mà làm cho quy hoạch bị thay đổi gây nên bức xúc cho người dân.
Đồng ý kiến với 2 vị đại biểu trên, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng đặt ra nghi vấn có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch các dự án. Theo ông Diến, có những dự án được điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của sự phát triển, nhưng có những dự án quy hoạch lại được điều chỉnh vì nhóm lợi ích.
Qua đó, các vị đại biểu này đều kiến nghị Chính phủ cần thắt chặt kỷ cương, quản lý chặt trong quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng việc quy hoạch bừa bãi.