Cây Giáng Hương - Niềm kỳ vọng mang lại nét đặc trưng về khu kinh tế xanh

Cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, vấn đề môi trường cũng đang là một trong những điều đáng quan tâm của Khu kinh tế Nghi Sơn. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lại chịu tác động khí thải của hơn 60 doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn nên việc phát triển hệ thống cây xanh ở Nghi Sơn là vô cùng cần thiết. Sau nhiều nỗ lực tìm cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khu kinh tế động lực này đã có được cây bóng mát đặc trưng mang tên “Giáng Hương”.
Thủ tướng ủng hộ Tuyên bố khẩn cấp về Thiên nhiên và Con người

Năm 2018, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã lập dự án, thuê chuyên gia đo độ mặn, độ PH của đất, tìm hiểu thổ nhưỡng và khí hậu đưa ra đề xuất, trồng thử các loại cây xanh phù hợp. Nhiều loại cây như kèn hồng, bàng Đài Loan, sao đen, lát hoa, Giáng Hương và bằng lăng…đã được để xuất và đưa vào thử nghiệm. Qua phân tích, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã lựa chọn cây Giáng Hương để trồng và phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn.

cay giang huong niem ky vong mang lai net dac trung ve khu kinh te xanh
Hình ảnh cây Giáng Hương.

Thực tế cho thấy, cây Giáng Hương là cây trồng ít rụng lá, tán rộng, xanh mát gần như quanh năm. Rễ cây ăn sâu, vừa không làm hư hỏng vỉa hè, vừa có thể chịu được gió biển. Thân cây vững chãi, cành chắc chắn nên Giáng Hương ít gãy khi có bão tố. Bên cạnh đó, ngoài việc cho bóng mát, tạo cảnh quan, cây Giáng Hương còn có giá trị kinh tế cao, gỗ của cây khá được ưa chuộng trên thị trường. Đặc biệt, nét “đặc trưng” mà Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh kỳ vọng ở loài cây này chính là hoa của nó. Hoa của Giáng Hương nở rực quanh năm, có mùi hương thơm nhẹ. Nếu Giáng Hương được trồng thành hàng dãy dài chạy theo các tuyến đường, khi hoa nở sẽ tạo nên cảnh quan đẹp với màu vàng miên man của hoa, màu xanh thẫm của lá gợi lên sức sống tươi mới.

Hiện nay, trên nhiều trục đường chính của Khu kinh tế Nghi Sơn đã có hàng trăm cây Giáng Hương được trồng, chạy dài gần 10km. Đi dọc đoạn đường từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đến băng chuyền của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, hai bên đường đã phủ xanh bóng cây trồng mới này. Giống cây được lấy từ tỉnh Nam Đinh, khi đã được ươm lớn với đường kính từ 10 đến 20cm nên phát triển rất nhanh. Những hàng cây được trồng từ đầu năm 2019 đã phủ xanh lá, có cây đã ra hoa đợt đầu. Ông Trịnh Trung Dũng - Trưởng Phòng Quản lý Tài Nguyên Môi trường thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh, kỳ vọng: Tương lai không xa, giáng hương sẽ phủ bóng vỉa hè của hầu khắp các tuyến đường chính Khu kinh tế Nghi Sơn, trở thành cây bóng mát đặc trưng nơi đây. Những đường hoa vàng rực, kéo dài, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng đẹp cho những ai từng đến đây.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, cây Giáng Hương được trồng với mật độ từ 20 đến 25m/cây. Tuy mới trồng chưa đầy 1 năm, nhưng đã thấy sự phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất nắng gió này. Theo lộ trình, nhiều tuyến đường, khi đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện cũng sẽ được cây Giáng Hương. Đây được xem là kỳ vọng cho một khu kinh tế xanh, thay vì những ống khói bụi, khí hậu nóng nực.

cay giang huong niem ky vong mang lai net dac trung ve khu kinh te xanh
Hình ảnh cây Giáng Hương trên các trục đường chính tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã từng “loay hoay” lựa chọn để tìm ra cây bóng mát đặc trưng ven các tuyến đường Khu kinh tế Nghi Sơn những hầu hết chưa có loài cây nào đáp ứng được. Bởi lẽ, khí hậu nơi đây tương đối khắc nghiệt, đất cát pha khô cằn nhiễm mặn, lại bị tác động trực tiếp bởi luồng gió phơn bỏng cháy vào mùa hè, nên nhiều cây trồng không thể đáp ứng được. Một số loài cây trồng bản địa có thể phát triển được như cây kè, cây dừa thì lại có ít bóng mát, hơn nữa, các loài cây này thường xuyên rụng tàu, gây nguy hiểm cho đường điện và người đi đường, nhất là mùa mưa bão.

Ông Lê Thanh Hà - Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, chia sẻ: Ngoài mục đích cho bóng mát, bảo vệ môi trường, chúng tôi hướng đến loại cây đem lại “đặc trưng” cho Khu kinh tế. Để khi nhắc đến một loài cây, người ta liên tưởng ngay đến Nghi Sơn, giống như cây phượng gắn với thành phố Hải Phòng. Sau nhiều năm thử nghiệm và lựa chọn, chúng tôi đã tìm được loài cây ưng ý.

Hoàng Linh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết