Chất lượng không khí tại Hà Nội
Chất lượng không khí tại điểm đo Tây Hồ (Hà Nội) vào sáng nay (26/9), theo ghi nhận của Air Visual |
Theo ghi nhận của website giám sát chất lượng không khí AirVisual, không khí Thủ đô Hà Nội hôm nay (26/9) đang ở mức ô nhiễm nặng (thuộc nhóm cảnh báo màu đỏ) - đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lúc 6h sáng ngày 26/9 tại Tây Hồ (Hà Nội) lên tới 207. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại điểm đo này là 156,7 µg/m3, cao gấp 6 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 15 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại điểm đo Tô Ngọc Vân (Quảng An, Hà Nội), hệ thống AirVisual cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức 192, chỉ số bụi mịn PM2.5 mức 135 µg/m3. Dự báo của AirVisual, ngày mai ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn đang ở mức ô nhiễm (màu đỏ, cam).
Theo ứng dụng giám sát chất lượng không khí AirVisual, sáng 26/9, Thủ đô Hà Nội đang đứng đầu về mức độ ô nhiễm không khí ở châu Á. |
Chất lượng không khí tại TP.HCM
Chất lượng không khí tại Thảo Điền TP.HCM vào sáng nay (26/9), theo ghi nhận của Air Visual |
Cũng theo số liệu từ website giám sát chất lượng không khí AirVisual, chất lượng không khí tại TP.HCM cũng đang ở mức ô nhiễm nặng (thuộc nhóm cảnh báo màu đỏ) - đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân.
Cụ thể, tại điểm đo Thảo Điền lúc 6h sáng nay (26/9), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 177; chỉ số bụi mịn PM2.5 là 106,6 µg/m³.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Còn theo WHO, mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, từ 12,1 đến 35,4 trung bình, từ 35,5 đến 55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm. Chỉ số 55,5-150,4 mức nguy hiểm, từ 150,5 đến 250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi hàng ngày làm giảm tác nhân gây bệnh và có hại từ không khí.
Để phòng bệnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng không có tác dụng.
Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc. Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt. Tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước.