Lưu vực sông ô nhiễm nhất miền Bắc
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (QTMTMB), Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng nước mặt kém nhất các lưu vực sông khu vực phía Bắc.
Kết quả quan trắc cho thấy, có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng (chiếm 8,1%), xác định tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Cầu (2 điểm), lưu vực sông Nhuệ - Đáy (13 điểm).
Đoạn sông Nhuệ chảy qua TP.Hà Nội vẫn không có kết quả khả quan hơn chỉ số năm 2019. Ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu.
Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém. Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn liên tục bị ô nhiễm và không có dấu hiệu được cải thiện.
Trung tâm QTMTMB khẳng định, nguyên nhân là do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP.Hà Nội, TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công và nước thải làng nghề (tỉnh Bắc Ninh).
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Tổng số dân các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực sông xấp xỉ 12 triệungười, mật độ dân số trung bình khoảng 1.160 người/km2.
Theo báo cáo của Ủy ban lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lượng nước thải chủ yếu vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy là nước thải sinh hoạt, tiếp theo là nước thải làng nghề, cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Mỗi ngày lưu vực sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 1.982 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả khoảng 19.048 m3/ngày đêm. Trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân là 16.421 m3/ngày đêm.
Tỉ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm tỉ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%), cụ thể như TP.Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ngày đêm (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%. Tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy.
Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã có 46/50 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm tỉ lệ 92%; 3/50 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, chiếm tỉ lệ 6%; còn lại 1/50 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để, chiếm tỉ lệ 2%; 16/18 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỉ lệ 88,88%); 2 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm tỉ lệ 4%) theo Quyết định 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi hàng chục tỉ đồng vẫn ô nhiễm
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho hay, ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong những năm qua chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, mức độ ô nhiễm biến động qua các năm và thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, mức độ ô nhiễm cao hơn mùa mưa khá nhiều.
“Để giải quyết tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, TP.Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường. Đặc biệt, huy động các nguồn lực cho cải thiện ô nhiễm các lưu vực sông" - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nói
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 9/11/2020 về giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm của sông Nhuệ - Đáy, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng để thực hiện những bước ban đầu và “Đương nhiên, bài toán quan trọng nhất hiện nay chính là kiểm soát nước thải sinh hoạt”
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2018 kinh phí dành cho các dự án cải tạo lưu vực sông Nhuệ - Đáy là hơn 38.000 tỉ đồng, tập trung vào việc xử lý rác thải, nâng cấp, gia cố tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông, đầu tư các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước chống ngập úng và kết hợp sản xuất nông nghiệp; chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; xử lý chất thải bệnh viện; quản lý và xử lý chất thải rắn; trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ…
Tuy nhiên, đến nay một số dự án đi vào hoạt động không hiệu quả. Một số dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như TP.Hà Nội, công tác xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường tại 70 cụm công nghiệp và hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn còn không ít bất cập. Đơn cử, huyện Thạch Thất có bảy cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có 2 cụm công nghiệp (Phùng Xá và Bình Phú) có hệ thống xử lý nước thải. Đã vậy, hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá hiện đã lạc hậu, hạ tầng xuống cấp nên mới chỉ xử lý được nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất.
Trong các năm 2016-2020, Bộ TN&MT đã phối hợp với 5 tỉnh, thành phố tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tại hơn 164 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính với 97 cơ sở, số tiền phạt hơn 19 tỉ đồng. Lực lượng Cảnh sát môi trường trong giai đoạn 2008-2020 đã tiến hành trực tiếp xử lý trên 2000 vụ việc vi phạm, xử phạt gần 43 tỉ đồng.
Cấp tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội: từ năm 2015 - 2019, đã thanh, kiểm tra tại 12.907 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 5.530 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 76 tỉ đồng. Tỉnh Hòa Bình: từ năm 2015 - 2019 đã thanh tra, kiểm tra 240 cơ sở và xử phạt 41 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỉ đồng. Tỉnh Nam Định: từ năm 2008 - 2020 đã thanh tra 1.319 cơ sở; ban hành quyết định xử phạt 673 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 16 tỉ đồng. Tỉnh Ninh Bình: từ năm 2008 - 2020, đã thanh tra, kiểm tra 800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ban hành quyết định xử phạt 334 cơ sở với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng. Tỉnh Hà Nam: từ năm 2003 - 2020 đã thanh tra 352 cơ sở; ban hành quyết định xử phạt 209 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 5 tỉ đồng.
Hà Lan