Bài viết tập trung tổng quan các nghiên cứu ứng dụng mô hình CGE trên thế giới trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, từ đó trả lời hai câu hỏi: Tính khả thi cuả mô hình CGE trong phân tích tác động chính sách giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam? Việt Nam cần chuẩn bị dữ liệu đầu vào như thế nào để có thể ứng dụng mô hình CGE trong phân tích chính sách giảm phát thải khí nhà kính.
Ứng dụng mô hình CGE trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính
Mô hình cân bằng tổng thể (Computable General Equibrilium – CGE) là một mô hình kinh tế được xây dựng từ những năm 1960 bởi tác giả Johansen. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ của rất nhiều mô hình kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu dự báo đối với nền kinh tế trên đà phát triển mạnh và sự ra đời của nhiều học thuyết kinh tế.
Hình 1: Ví dụ về cân bằng thị trường theo Burfisher. |
Một nguyên nhân khác được xem là yếu tố thúc đẩy các mô hình CGE phát triển là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1973 bắt nguồn từ khủng hoảng dầu mỏ. Những thay đổi về giá năng lượng khiến cho nền kinh tế thay đổi theo hướng khác với các kế hoạch đã được đặt ra, trước những thay đổi đó, các nhà hoạch định chính sách cần một công cụ dự báo xu hướng phát triển nền kinh tế và mô hình CGE đáp ứng tốt nhu cầu này. Để đưa ra được những dự báo về tác động kinh tế xã hội, mô hình CGE giải quyết bài toán cân bằng thị trường bằng cách giải các phương trình và tìm ra điểm hay một khoảng cân bằng giữa cung và cầu.Ban đầu, mô hình CGE được sử dụng để tối ưu hóa chi phí trong hoạt động công nghiệp và tối ưu hóa lợi ích của các hộ gia đình. Tuy nhiên, do những giới hạn về kỹ thuật tính toán, phải tới những năm 1970 mô hình CGE mới có được những bước phát triển đáng kể cùng với sự xuất hiện của máy tính điện tử.
Burf isher và cộng sự (2011) giải thích cách thức mô hình CGE vận hành đơn giản như sau: Ban đầu, khi thị trường đang ở trạng thái cân bằng giữa cung S1 và cầu D1, điểm cân bằng là A; khi các yếu tố về nguyên nhiên liệu thay đổi khiến cho giá sản phẩm tăng, đường cung S2 hình thành, thị trường thiết lập điểm cân bằng mới là B dựa trên đường cầu D1 và cung S2. Với điều kiện thị trường là công khai minh bạch, mô hình CGE dựa vào các yếu tố thay đổi để đưa ra dự báo về điểm cân bằng mới của thị trường.
Hà Nội: Hạn chế phát thải khí nhà kính |
Lars Bergman (1991) thực hiện nghiên cứu “Tác động cân bằng tổng thể của chính sách về môi trường theo cách tiếp cận của mô hình CGE” nhằm đánh giá tác động chính sách giảm phát thải CO2 của Thụy Điển. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong trường hợp quốc gia này áp dụng các chính sách giảm phát thải CO2 bằng cách hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, GNP của quốc gia này được dự báo là sẽ giảm từ 1247,7x109SEK theo kịch bản cơ sở xuống còn 1191,7 x109SEK theo kịch bản có áp dụng chính sách. Đồng thời, giá trị tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này sẽ giảm từ 34,9 x109SEK xuống còn 25,4 x109SEK và khả năng tích lũy vốn cũng như nhu cầu sử dụng lao động đồng thời bị suy giảm. Qua đó, có thể đánh giá các tác động tiêu cực của chính sách tới nền kinh tế Thụy Điển nói chung.Từ những thành công trong dự báo kinh tế, mô hình CGE được phát triển thành một mô hình phân tích chính sách đa ngành trong những năm 1980. Theo đó, ứng dụng mô hình CGE trong phần tích chính sách môi trường bắt đầu được áp dụng từ những năm đầu của thập niên 90.
Nathan Wajsman (1994) công bố kết quả nghiên cứu “Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể trong lượng giá chính sách môi trường”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình cân bằng tổng thể MSG-4 với giả lập tăng thuế nhiên liệu lên 75% theo giá dầu thực tế, sẽ gây ra thiệt hại GDP ở mức 1-2% vào năm 2000, tuy nhiên, những lợi ích về môi trường mang lại được ước tính nằm trong khoảng 1-5% GDP. Do đó, tác động tích cực của chính sách nhìn chung có thể cân bằng với tác động tiêu cực về kinh tế do cải thiện được chất lượng cuộc sống con người cũng như chi phí giao thông đi lại.
Để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), Việt Nam cần phải cắt giảm phát thải khí nhà kính 12,4% vào năm 2050. (Ảnh minh họa |
Nghiên cứu của Luz Centeno Stenberg và cộng sự thực hiện năm 2006 cũng chỉ ra rằng: Philippines có thể thiệt hại 1% GDP trong trường hợp nước này áp dụng các chính sách bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do, hạn chế hoạt động khai thác rừng dẫn tới thiệt hại về lao động việc làm, khiến cho thu nhập hộ gia đình giảm do đất bị chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất rừng.
Từ đầu những năm 2000, Nhật Bản thực hiện Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính thông qua triển khai mô hình Xã hội carbon thấp vào năm 2050. Nhóm Mô hình tích hợp Châu Á Thái Bình Dương với sự tham gia của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản (NIES) đã phát triển mô hình AIM/CGE phục vụ phân tích chính sách giảm phát thải khí nhà kính ở Nhật Bản và đã được áp dụng cho nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Một số nghiên cứu điển hình có thể kế tới:
Wei Li và các cộng sự (2015) trong nghiên cứu “Phân tích kịch bản carbon thấp Trung Quốc đối với các giải pháp giảm phát thải hướng tới năm 2050 sử dụng mô hình AIM/CGE Hybrid”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ giảm phát thải trong kịch bản BAU (kịch bản thông thường) là khoảng 28,68% vào năm 2020 và 46,8% vào năm 2050, so với mức phát thải của năm 2005. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng dự kiến giảm 27.625 Mtce trong giai đoạn từ 2020 đến 2050. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, lượng phát thải trên GDP cũng giảm 33,33% theo kịch bản CM40E vào 36,43% theo kịch bản CM50E. Kết quả cho thấy, thuế carbon giúp giảm phát thải tuy nhiên không thể áp dụng lâu dài do các tác động tiêu cực đến tính bền vững, tính đa dạng và tính tối ưu giữa các nguồn cung năng lượng là động lực chính cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn.
Ken Oshiro và các cộng sự (2017) sử dụng mô hình AIM/CGE trong phân tích mục tiêu giảm phát thải 26% của Nhật Bản vào năm 2030. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mục tiêu giảm phát thải của Nhật Bản có thể thực hiện được bằng các thực hiện hàng loạt các hành động. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu và thúc đẩy thực hiện các hành động giảm nhẹ, mức giá carbon cần đạt mức 200$/tCO2 và GDP có thể giảm 1,1-1,4% vào năm 2030, tốc độ tăng GDP có thể giữ ở mức 1,6% trong giai đoạn 2014-2030.
Thái Lan dẫn đầu các nước ASEAN về phát triển năng lượng sạch. (Ảnh minh họa) |
Theo kết quả nghiên cứu về chính sách giảm phát thải thông qua sử dụng năng lượng tái tạo ở Thái Lan năm 2015 do Bundit Limmeechokchai và các công sự thực hiện, quốc gia này có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trong INDC. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch cũng làm gia tăng tổn thất GDP từ 0,2% lên tới 3,1% và nhu cầu phúc lợi xã hội cũng sẽ tăng từ 0,21% lên tới 4,2 %.
Không những thế, chi phí cho các hành động giảm nhẹ cũng gia tăng theo các mục tiêu. Để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải, chính phủ Thái Lan cần thay đổi tỉ trọng một số dạng năng lượng tái tạo để phù hợp hơn với các cam kết trong INDC. Thêm vào đó, các quy định về năng lượng tái tạo cũng cần được xây dựng để giảm vấn đề ô nhiễm không khí và nâng cao sức khỏe người dân.
Tại Indonesia, Shinichiro Fujimori và các cộng sự (2017) ứng dụng mô hình AIM/CGE vào phân tích các kịch bản giảm nhẹ trong INDC. Kết quả ứng dụng mô hình chỉ ra rằng: Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2030, dân số quốc gia này sẽ tăng gấp 1,3 lần trong khi GDP dự báo tăng gấp 4,3 lần. Cũng trong khoảng thời gian này, nhu cầu năng lượng được dự báo tăng 2,9 lần trong khi khả năng cung cấp năng lượng tăng 3,2 lần. Khả năng mở rộng của hạ tầng năng lượng được kỳ vọng tăng 7,2 lần.
Ở Việt Nam, Trần Thanh Tú (2012) ứng dụng mô hình AIM/CGE vào phân tích tính khả thi của chính sách giảm phát thải kính tại Việt Nam đến năm 2050. Theo kết quả nghiên cứu này, đến năm 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính được dự báo tăng gấp 1,9 lần so với mức phát thải năm 2005 trong khi GDP tăng gấp 7,4 lần và tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng gấp 1,5 lần, lượng điện năng tiêu thụ dự kiến tăng gấp 6,4 lần theo kịch bản thông thường. Như vậy, để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), cần phải cắt giảm phát thải khí nhà kính 12,4% vào năm 2050.
Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, ứng dụng mô hình CGE giúp phân tích lượng hóa các tác động của hành động chính sách đối với tăng trưởng GDP cũng như các yếu tố kinh tế xã hội khác bao gồm: thay đổi việc làm, thu nhập của người dân, tích lũy vốn... Mô hình AIM/CGE là một mô hình được phát triển phục vụ phân tích các vấn đề liên quan tới phát thải khí nhà kính, dự báo nhu cầu về năng lượng, tổng lượng phát thải khí nhà kính và dựa trên so sánh nhiều kịch bản hành động chính sách khác nhau. AIM/CGE cũng đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, là một công cụ phù hợp trong phân tích chính sách giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
(Còn nữa)
Bài 2: Hiện thực hóa mô hình cân bằng tổng thể, giảm phát thải khí nhà kính.